Cần thêm nguồn lực để phát triển làng nghề Phú Lương
Các làng nghề chè của huyện Phú Lương đã mang lại thu nhập cao gấp 3 lần so với trước kia

Năm 2013, sau khi thành lập làng nghề chè truyền thống Phú Nam 7, đời sống người dân nơi đây đã có những chuyển biến rõ nét. Với diện tích trên 50 ha chè đã mang lại thu nhập cao gấp 3 lần so với trước đây góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Đầm Văn Tuyển, Trưởng Ban quản lý làng nghề Chè truyền thống Phú Nam 7, xã Phú Đô cho biết: “Bà con nhân dân được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật được huyện và các cấp triển khai đến giờ đời sống của nhân dân nâng cao”.

Thời gian gần đây, trước những sức ép từ thị trường, các làng nghề của huyện gặp không ít khó khăn. Được thành lập từ năm 2013 với gần 50 hộ. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, số hộ làm mây tre đan tại làng nghề Mây tre đan Phú Yên, xã Phấn Mễ ngày càng giảm dần. Đầu ra khó khăn, lợi nhuận thấp, thiếu nhân lực là những nguyên nhân khiến đa số các hộ dân trong xóm phải bỏ nghề.

Cần thêm nguồn lực để phát triển làng nghề Phú Lương
Làng nghề Mây Tre đan xã Phấn Mễ ( Phú Lương) đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực và đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Lập, Nguyên Trưởng Ban Quản lý làng nghề Mây Tre đan xã Phấn Mễ ngậm ngùi cho biết: “Lớp trẻ đi làm công nhân nhiều lắm. Làm công việc này giờ chỉ còn người lớn tuổi, nhất là từ 2014-2015 đến nay đồ nhựa ra nhiều nên chúng tôi làm ra sản phẩm tiêu thụ khó”.

Việc phát triển làng nghề truyền thống của Phú Lương đã phát huy tối đa nội lực của nhân dân, tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn của các làng nghề truyền thống hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, hoạt động nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng đang là một bài toán khó đối với các làng nghề.

Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Đô cho biết về khó khăn ở địa phương: “ Phú Đô là một xã có 60% là người dân tộc thiểu số nên nhận thức về làng nghề còn hạn chế nhất định”.

Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương nói về giải pháp trong thời gian tới: “Chúng tôi đang đề xuất cũng như tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện có những chính sách hỗ trợ như về vật tư để nâng cao giá trị sản phẩm. Thứ 2 là tuyên truyền vận động, tập huấn cho hội viên, thứ 3 là cho hội viên đi tham quan thực tế ở các làng nghề hiệu quả. Trở về họ sẽ có những chuyển biến, thay đổi trong nhận thức”.

Gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là giải pháp để các địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động mà còn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng là gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương./.