Tạo việc làm để người khiếm thị ổn định cuộc sống
Nghề xoa bóp bấm huyệt đã giúp chị Mừng có mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. |
Chị Nguyễn Thị Mừng, ở phường Đồng Tiến, TP Phổ Yên, Thái Nguyên, bị khiếm thị bẩm sinh. Không đầu hàng số phận, nỗ lực vượt qua bóng tối, chị Mừng đã đi học và kiếm sống bằng nghề xoa bóp bấm huyệt. Hiện nay, công việc này đã giúp chị Mừng có mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Mừng chia sẻ: "Trước đây ở nhà tôi mặc cảm nghĩ là mình mắt kém thế này thì làm được việc gì và đi ra ngoài liệu mình có chủ động được không; nhưng từ lúc tôi đi làm việc thì tôi thấy mình tự tin hơn và kiếm được thu nhập, tự trang trải cuộc sống".
Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên có trên 1.600 hội viên, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. |
Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên có trên 1.600 hội viên, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian vừa qua, Hội Người mù tỉnh Thái nguyên đã tập trung phát triển nghề xoa bóp bấm huyệt, bởi đây là nghề phù hợp nhất với khả năng lao động của người mù. Hàng năm, Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên tổ chức các lớp dạy nghề về xoa bóp, bấm huyệt. Sau khoảng 4 tháng, các học viên được đào tạo những kỹ năng cơ bản, giúp họ có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân.
Em Đàm Hồng Đăng, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Nghề xoa bóp bấm huyệt phù hợp với em. Học xong em dự định làm một thời gian, nếu làm được thì mở cơ sở".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 20 cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt do hội viên đứng ra làm chủ, tạo việc làm cho khoảng 100 người khiếm thị với thu nhập bình quân 5 đến 6 triệu đồng/tháng, thậm chí, có những cơ sở có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên đã trở thành lao động chính và là trụ cột về kinh tế của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Sau khi các em được đào tạo nghề, chúng tôi sẽ hướng nghiệp cho các em về các huyện vùng sâu, vùng xa của địa phương mình để mở các cơ sở có thu nhập để nuôi bản thân".
Có việc làm và thu nhập giúp người khiếm thị tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng xã hội. Điều này thêm một lần nữa khẳng định lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương./.