Đại Từ: Trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo tại tỉnh Sơn La
Đại Từ: Trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo tại tỉnh Sơn La

Xã Đông Sang, huyện Mộc Châu có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp với vùng sản xuất công nghệ cao theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị… Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các bản đặc biệt khó khăn của xã Đông Sang đã có sự thay đổi rõ nét. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện và kết nối nhằm thúc đẩy phát triển giao thương. Hiện xã còn 65 hộ nghèo, tỷ lệ tái nghèo rất thấp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Bà Vũ Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: “Bài học kinh nghiệm nhất của xã là có sự vào cuộc doanh nghiệp, HTX, cũng như người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân có đất, Nhà nước hỗ trợ về chính sách. Xã có tổng 200ha rau, được cấp VietGAP hơn 80ha. Ngoài ra, được kiểm soát qua cam kết sản xuất an toàn giữa các hộ nông dân với UBND cấp xã”.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Rau an toàn tự nhiên, xã Đông Sang, phấn khởi cho biết: “Tổng diện tích của HTX là 20ha. Một ha cho thu thấp nhất cũng có 300 triệu/năm, thu bình thường là 500 triệu, có năm 1 ha cho thu hàng tỷ khi làm cây cà chua và những loại cây có hiệu quả kinh tế cao”.

Đại Từ: Trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo tại tỉnh Sơn La
Bà Nguyễn Thị Luyến phấn khởi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của HTX với đội ngũ cán bộ huyện Đại Từ, Thái Nguyên

Với quan điểm biến tiềm năng lợi thế của địa phương thành sản phẩm du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc, huyện Mộc Châu đã phát triển hệ thống các làng văn hóa thành làng du lịch cộng đồng với những sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng và đặc trưng. Bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, huyện đã quan tâm đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục nếp sống văn minh, văn hoá ứng xử cho cộng đồng... Các đại biểu đã thảo luận về định hướng phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; trao đổi về cách làm và kỹ năng tổ chức mô hình du lịch cộng đồng để áp dụng tại địa phương.

Bà Ngô Thị Bích, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 14, xã Cù Vân, cho rằng, có rất nhiều kinh nghiệm có thể áp dụng tại địa phương mình: “Thực tế mắt thấy, tai nghe bà con truyền đạt lại kinh nghiệm ở nơi đây, chúng tôi về áp dụng tại địa phương, có thể là tuyên truyền, vận động bà con nhân dân áp dụng thực tế đời thường về khả năng thực tế của địa phương mình, để khắc phục, tìm cách làm giàu phát triển kinh tế bền vững”.

Ông Nguyễn Xuân Thoá, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Gốc Mít, Tân Thái, vui mừng nói: “Rất bổ ích và lỳ thú. Có nhiều cái chúng ta cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phục vụ địa phương mình”.

Đại Từ: Trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo tại tỉnh Sơn La
Đoàn đã đi thăm rất nhiều mô hình phát triển kinh tế của Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La.

Với mục đích giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập những cách làm hay, có hiệu quả, để vận dụng linh hoạt và phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương, chuyến thăm quan, học tập kéo dài 3 ngày tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La của đoàn công tác huyện Đại Từ đã thu được nhiều kết quả hữu ích.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hyện Đại Từ, nhấn mạnh: “Các đồng chí cán bộ từ cấp cơ sở đến xã, đến các thành viên Ban chỉ đạo công tác giảm nghèo rất là tích cực, hiệu quả. Chúng ta đến đây rồi, chúng ta năm bắt được và có giải pháp vận dụng vào địa phương, làm sao để trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đại Từ giảm theo chỉ tiêu của tỉnh giao. Huyện cũng phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2023”.

Chuyến thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo lần này là dịp để các cán bộ làm công tác giảm nghèo của huyện Đại Từ nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ góp phần đưa huyện Đại Từ hoàn thành Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025./.