Phát triển du lịch cộng đồng từ di sản văn hóa của người Tày - Nùng ở Thái Nguyên
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, TP Thái Nguyên lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hoá của đồng bào Tày. |
Một trong những điểm du lịch cộng đồng lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hoá của đồng bào Tày là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, TP Thái Nguyên. Được công nhận là điểm du lịch địa phương từ năm 2014. Nơi đây quy tụ hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên mẫu, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là đại diện duy nhất của Việt Nam được tổ chức Du lịch Thế giới công bố nằm trong danh sách 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.
Chị Nguyễn Bảo Vân, du khách Hà Nội chia sẻ: "Cảm nhận ban đầu của tôi là rất thích; có cảm giác như người dân đang sống thật chứ không phải là một bảo tàng khô cứng. Đây là một sinh hoạt văn hóa của họ, chứ không phải là trình diễn".
Năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định thành lập Làng Văn hóa Du lịch bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Tày. |
Thái Nguyên có một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, đó là Di tích quốc gia đặc biệt - ATK Định Hóa, đây là điểm di tích được bao bọc, chở che trong đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày - Nùng. Năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định thành lập Làng Văn hóa Du lịch bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Tày; đồng thời, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người dân địa phương. Và mới đây nhất Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình đã được UBND tỉnh công nhận. Trở thành điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Định Hóa.
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: "Chúng tôi đang tập trung vào những thế mạnh của đồng bào Tây Nùng với văn hóa nhà sàn, Lễ hội Lồng Tồng, hát then. Chúng tôi đang kết nối các tour, tuyến với hiệp hội du lịch, các tỉnh bạn để quảng bá sản phẩm du lịch của huyện trên cơ sở tiềm năng thế mạnh về điểm di tích, các danh lam thắng cảnh đã được công nhận".
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên thông tin: "Bà con dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh có số dân rất đông, vì vậy các điểm du lịch được công nhận như Bản làng Thái Hải, Điểm du lịch Khuôn Tát, các điểm du lịch của huyện Đại Từ như Đồng Khuân, La Bằng thì các điểm du lịch này với rất nhiều các cộng đồng dân cư dân tộc Tày đã phát huy tốt di sản văn hóa để phục vụ các hoạt động trải nghiệm về văn hóa văn nghệ, trải nghiệm về hát then đàn tính, việc tìm hiểu chữ viết của người Tày và các nét văn hóa của người Tày sinh sống tại các điểm du lịch này".
Thái Nguyên đang hướng tới là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng luôn chú trọng bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển du lịch cộng đồng từ di sản văn hóa của người Tày - Nùng đã và đang góp phần định vị Thái Nguyên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Những di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào Tày – Nùng chính là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, là thế mạnh để phát triển nên các sản phẩm du lịch đặc thù của Thái Nguyên, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế./.