Tín dụng chính sách, đồng hành phát triển kinh tế nông thôn
Dia đình chị Lâm Hồng Hạnh, ở xóm Yên Thủy 1, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương đã sử dụng hiệu quả tổng nguồn vốn vay 150 triệu đồng để phát triển kinh tế từ cây chè.

Là 1 trong số không nhiều hội viên phụ nữ được thụ hưởng 3 gói hỗ trợ tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương từ năm 2007, những năm qua, gia đình chị Lâm Hồng Hạnh, ở xóm Yên Thủy 1, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương đã sử dụng hiệu quả tổng nguồn vốn vay 150 triệu đồng để phát triển kinh tế từ cây chè. Vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm, đến nay, gia đình chị Hạnh đã có xưởng sản xuất quy mô, với thu nhập gần 200 triệu mỗi năm và trở thành mô hình điểm trong phát triển kinh tế của địa phương.

Chị Lâm Hồng Hạnh vui mừng chia sẻ: “Vay vốn nguồn vốn ưu đãi để gia đình tôi tăng gia sản xuất, thì thật sự là đã ngày càng đi lên. Cũng không biết nói gì hơn là cảm ơn Nhà nước, các ban ngành đã giúp đỡ cho gia đình tôi”.

Tín dụng chính sách, đồng hành phát triển kinh tế nông thôn
Vườn chè của gia đình chị Lê Thị Bắc, xóm Yên Thủy 2, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương được cải tạo, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Với vai trò là cầu nối giữa Ngân hàng chính sách và người dân, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Lạc đã thực hiện hiệu quả hoạt động nhận uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương đối với hàng trăm hội viên Hội phụ nữ… Đơn cử như hộ gia đình chị Lê Thị Bắc, xóm Yên Thủy 2, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương may mắn mắn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi trị giá 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư giống chè mới có chất lượng và năng xuất cao, phù hợp với lợi thế về thổ nhưỡng của địa phương.

Chị Lê Thị Bắc cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất là khó khăn. Tôi đã được vay vốn của Ngân hàng để cải tạo cây chè, chăm sóc vườn chè nhà tôi nay đã được đẹp và tốt hơn”.

Từ chủ trương đúng đắn đến triển khai thực tế, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Lạc đang làm tốt vai trò là cánh tay nối giữa Ngân hàng chính sách xã hội với người dân. Thông qua 8 tổ vay vốn cơ sở, đến nay, toàn xã hiện có trên 200 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đã tiếp cận được nguồn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 10 tỷ đồng.

Theo chị Lâm Ngọc Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Lạc, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình là nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ, cần được quan tâm và ủng hộ: “Nhu cầu vay vốn của người dân nói chung, của hội viên hội phụ nữ nói riêng rất cao. Tới đây, cũng mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ là hội viên phụ nữ được vay vốn thêm để phát triển kinh tế”.

Nguồn tín dụng chính sách nhận ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống hội viên mà còn tăng cường mối quan hệ và củng cố tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng tổ chức Hội các cấp ngày càng lớn mạnh và trở thành người bạn đồng hành với Ngân hàng Chính sách xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc./.