Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh
Đội ngũ cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình vận động người dân. |
Những năm qua, công tác dân số của tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả khả quan. Để có được thành công đó phải kể đến công tác phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số. Đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ cộng tác viên dân số đang trở thành cánh tay đắc lực giúp các chính sách dân số đến được gần hơn với người dân.
Chị Lương Thị Huyền, CTV dân số xã Phương Giao, huyện Võ Nhai cho biết: "Ở địa phương tôi có tổ chức các buổi truyền thông cho bà con tại các hộ gia đình hoặc ở trạm y tế,đa số người dân đều ý thức được việc khám thai, sàng lọc sơ sinh và sàng lọc trước sinh".
Chị Cà Thị Mùi, xóm Xuất Tác, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai: "Tôi thấy đây là vấn đề quan trọng vì nó giúp tôi và người thân trong gia đình tôi biết được con có vấn đề gì về sức khỏe hay không để từ đó có những biện pháp can thiệp sớm để tránh những hậu quả rủi ro về sau".
Một trong những công tác trọng tâm mà ngành dân số Thái Nguyên đang triển khai thực hiện là nâng cao hiệu quả tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các đối tượng người DTTS, trong đó có lứa tuổi học sinh. Thông qua việc phối hợp với các nhà trường có đông con em người DTTS học tập, các hoạt động tuyên truyền đã thường xuyên triển khai song song với việc học văn hóa, thông qua đó nâng cao hiểu biết và nhận thức cho các em. Nhờ đó, năm 2024, Thái Nguyên ghi nhận 26 trường hợp tảo hôn, giảm gần 1 nửa so với năm 2023.
Em Hoàng Thu Ngân, học sinh Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc chia sẻ: "Em thấy rằng nó giúp ích cho mình rất nhiều trong đời sống cũng như là việc học tập, em có thể tự nhận thức được rằng việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một việc phải bài trừ và lên án".
Một tiết học về nâng cao nhận thức sức khoẻ sinh sản tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. |
Chú trọng việc khám sàng lọc trước sinh. |
Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong năm 2024, các chỉ tiêu cơ bản về công tác dân số như tỷ lệ trẻ được khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được khám sức khỏe trước khi kết hôn, Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ cơ bản đều đạt so với kế hoạch. Điều này ghi nhận sự nỗ lực của ngành dân số cùng với sự phối hợp hiệu quả của các ngành liên quan. Để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả này, đồng thời đứng trước những thách thức về công tác dân số trong tình hình mới, ngành dân số Thái Nguyên cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể trong năm 2025.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong năm 2025 công tác dân số của tỉnh phấn đấu đạt và duy trì mức sinh thay thế tức là mỗi một cặp vợ chồng trung bình có hai con, bên cạnh đó chúng tôi tiếp tục tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tăng cường các hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, sang lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để đảm bảo được các chỉ tiêu tỉnh đã giao trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó Chi cục Dân số tỉnh và ngành y tế tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, các chương trình đề án về công tác dân số như chương trình điều chỉnh mức sinh, các đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các chương trình hoạt động nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh".
Năm 2024 là năm thứ 5 thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân số và phát triển đã và đang được đẩy mạnh. Với những mục tiêu cụ thể và những giải pháp được đưa ra ngay từ đầu năm, ngành dân số tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, vì sự phát triển bền vững của đất nước./.