Tín dụng chính sách: Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững
Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: Trần Việt/Vietnam+) |
Giai đoạn 2016-2020 chỉ là một khoảng thời gian nhỏ trong sự nghiệp giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam. Song với sự chủ động và bước đi sáng tạo của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực thi tốt nhiệm vụ đã tạo nên những bước chuyển mới trong công tác tín dụng với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau,” đưa Việt Nam phát triển bền vững.
Khi chính sách chứa “tiếng lòng” của người dân
Nhìn lại việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, điều mà Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng tâm đắc nhất chính là nguồn vốn tín dụng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống.
Điểm nhấn đầu tiên là việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.
Việc triển khai Chỉ thị này đã tạo ra sự đột phá trong tư duy và cách làm của nhiều địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách, coi đây là công cụ quan trọng trực tiếp và mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Minh chứng có thể thấy rõ từ việc Đảng và các cấp chính quyền địa phương không chỉ chung tay nâng cao chất lượng tín dụng chính sách mà chủ động dành thêm nguồn vốn ngân sách ủy thác qua ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo để gia tăng hiệu quả giảm nghèo. Nguồn vốn ủy thác địa phương trong 5 năm đã tăng thêm 10.709 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 14.516 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, từ thực tế triển khai hoạt động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, Chính phủ đã ban hành một số chương trình tín dụng chính sách xã hội mới bổ trợ theo nhu cầu thực tế và bức thiết của người dân như: Cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; cho vay phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau...
Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện từ tham mưu của Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ ngành đã hoàn thiện mô hình quản lý Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội tương ứng với cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Khi chính sách được xây lên từ cuộc sống
Nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách ngày càng mạnh từ nguồn vốn đến cơ chế, đặc biệt sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã góp phần tạo nên những giá trị mới trong công cuộc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Thăm hợp tác xã chè sạch Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được quản lý bởi vợ chồng chị Phạm Thị Hạnh và anh Hà Văn Thắm với sản phẩm nổi tiếng trong tỉnh Phú Thọ, có mặt trong hệ thống siêu thị Phú Cường, Vinmart, ít ai ngờ rằng nền tảng hợp tác xã hôm nay lại được vun đúc và chắp cánh từ vốn vay chính sách.
Vợ chồng chị Phạm Thị Hạnh và anh Hà Văn Thắm tâm sự, cả cuộc đời anh chị được nâng đỡ bởi nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ món vay chương trình hộ nghèo đầu tiên 3-5 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi lợn chỉ mong hai chữ “đủ ăn.” Năm 2012 đánh dấu bước chuyển mới trong cuộc sống gia đình chị với việc vay vốn hộ nghèo đầu tư vườn chè theo tiêu chuẩn GAP, 3 năm sau chị đã có một nền tảng kinh tế vững chãi khi 2,5 ha chè đã chính thức được khai thác.
Với kinh nghiệm sao sấy chè, chị đã mạnh dạn cùng chị em trong thôn thành lập tổ hợp tác sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2019, để đăng ký thương hiệu chè sạch Long Cốc chị đã chuyển đổi mô hình lên hợp tác xã. Đồng thời vay 50 triệu đồng nâng cao công suất và chất lượng sao chế với việc mua máy quay, cối và bếp hút.
Nguồn vốn tín dụng của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách triển khai hiệu quả. (Ảnh: CTV) |
Hiện hợp tác xã đang bao tiêu sản phẩm cho 24/40 ha chè của 12 thành viên để sản xuất chè giá trị cao từ 250.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/kg tạo ra việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng.
Tác động lan tỏa của hợp tác xã còn xa hơn nữa khi chị cùng các thành viên của tổ, trồng chè hữu cơ và đặt kế hoạch kết nạp thêm 40 hộ viên, nâng diện tích chè lên 80ha. hợp tác xã cũng đang hoàn thành dự án nhà máy chè có chất lượng cao trong nước và xuất khẩu sang Nga.
Cần nguồn lực đủ mạnh để tối ưu hóa chính sách
Những thành quả tín dụng giảm nghèo sẽ tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới khi hiện vẫn còn 6,6 triệu người nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/8 đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (+40,2%) so với 31/12/2015. Trong đó dư nợ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 104.474 tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng dư nợ với hơn 3,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 110.943 tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng dư nợ, với hơn 3 triệu hộ còn dư nợ.
Về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách...
Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị các Bộ ngành cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cùng với nhiều địa phương, Ngân hàng Chính sách báo cáo Trung ương cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao, nhằm đáp ứng nguồn lực thực hiện chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài.
Ngân hàng cũng đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí, quy định một nguồn vốn riêng trích từ nguồn ngân sách Trung ương cho Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trong đó có khoản mục dành riêng quy định về nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
“Các chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác theo hướng tách bạch đối tượng thụ hưởng, giảm cho không đến cá nhân và tăng mức đầu tư, hỗ trợ qua tín dụng. Điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp với yêu cầu thực tiễn,” Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đề xuất./.