chu trong phat trien cay trong mui nhon
Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và chế biến chè mà diện tích cũng như sản lượng chè tại xã Bá xuyên (T.P Sông Công) ngày càng tăng. Trong ảnh: Nông dân xã Bá Xuyên thu hái chè tại bãi chè xóm Chũng Na.

Dọc theo con đường bê tông uốn lượn qua những bãi chè xanh bát ngát thuộc các xóm: Ao Cang, Chũng Na, Soi Lai, Bãi Hát mới thấy cuộc sống của người dân nơi đang có sự đổi thay tích cực. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Những năm 1990, cây chè đã có mặt trên mảnh đất Bá Xuyên nhưng chỉ với mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Năm 2000, khi Sở Khoa học và Công nghệ đưa dự án chè cành với diện tích 10ha vào trồng tại Bá Xuyên thì cây chè ở đây mới bắt đầu phát triển mạnh. Nói về cây chè của xã, ông Toán khẳng định, ở Bá Xuyên ngoài điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng thì quan trọng hơn cả là nông dân rất linh hoạt, nhạy bén trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng chè. Từ chỗ chỉ có 10ha chè cành, đến nay, bà con trong xã đã nhân rộng lên diện tích 106ha với các giống: LDP1, Kim Tuyên, Bát Tiên. Theo như đánh giá của nhiều người dân, so với cấy lúa thì việc trồng chè không tốn quá nhiều công lao động và cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bởi thế từ 10 năm nay, ở những chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả, bà con đã chủ động chuyển sang trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những điều kiện thuận lợi này, hằng năm, xã đã đề ra những giải pháp tích cực, đồng bộ để đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Hằng năm, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng, xã đã giao cho Hội Nông dân phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 2-3 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho hơn 500 lượt nông dân. Mới đây, Hội Nông dân xã đã triển khai mô hình bón phân sinh học cho cây chè. Theo ông Dương Thành Ái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bá Xuyên, để khắc phục những hạn chế trong thâm canh cây chè, vụ xuân năm 2017, Hội Nông dân xã đã triển khai thí điểm mô hình bón phân sinh học pomior trên 5 sào chè của 3 hộ dân. Đây là một trong những loại phân bón trên lá giúp cải tạo đất, làm cho cây chè dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng búp tươi. Theo dự tính, với phương pháp bón phân sinh học này, năng suất chè búp sẽ tăng từ 15%-20%, búp chè vươn dài, tăng độ ngọt và thơm hơn các bón phân thông thường.

Ngoài việc phổ biến đến người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè, Bá Xuyên còn chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của xã. Với mục tiêu hướng tới sản phẩm chè an toàn, tháng 3-2015, Tổ sản xuất chè VietGAP Chũng Na – Ao Cang đã được thành lập và đi vào hoạt động với hơn 30 hội viên tham gia (diện tích khoảng 10ha chè cành). Tham gia sinh hoạt trong tổ, người dân được cán bộ khuyến nông thành phố và xã hướng dẫn quy trình làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP như: chọn giống, lập sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi lịch thu hái, bón phân; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... Bằng việc tích cực truyền đạt cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm làm chè an toàn, đến nay, gần 80% số hộ làm chè trong xã đã thành thục các bước làm chè an toàn. Cùng với sản xuất chè VietGAP, Bá Xuyên cũng tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội trợ thương mại trong và ngoài tỉnh; tăng cường quảng bá trên trang web của xã. Đầu năm 2017, sản phẩm chè Bá Xuyên được Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo thuộc Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao cúp vàng thương hiệu sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng.

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, diện tích chè trên địa bàn xã Bá Xuyên ngày càng được nhân rộng, sản phẩm chè đã được nhiều người quan tâm, tin dùng. Bình quân mỗi năm, Bá Xuyên cung cấp ra thị trường 700-800 tấn chè búp khô, cho thu nhập khoảng 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương. Cũng nhờ cây chè mà đời sống người dân thêm khấm khá, có điều kiện mua sắm các nông cụ phục vụ sản xuất. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6% (năm 2011 trên 10%); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng; 85% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...