Nâng cao chất lượng sản phẩm chè mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tuyên truyền để giúp người dân thực hiện các quy định trong việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm trà trên địa bàn tỉnh.

Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được cấp cho sản phẩm trà được trồng, chế biến và đóng gói tại 06 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà (TP Thái Nguyên) do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý. Thời gian qua, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” duy trì và phát huy hiệu quả việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. HTX Chè Hảo Đạt là đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Hợp tác xã rất tích cực tham gia xây dựng, duy trì và phát triển sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, phòng ngừa, bảo vệ đấu tranh với các hành vi gian lận trong sử dụng nhãn hiệu sản phẩm; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Từ bà con đến HTX tuân thủ quy trình về nguồn gốc, xuất xứ. Để đảm bảo thương hiệu chè Tân Cương, các sở, ban, ngành đã có những lớp tập huấn, đào tạo cho HTX tuân thủ về quy trình liên quan đến bảo hộ địa lý của chè Tân Cương".

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”
HTX Hương Vân Trà, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nhãn hiệu (logo) trên các bao bì sản phẩm.

Hay như với HTX Hương Vân Trà, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nhãn hiệu (logo) trên các bao bì sản phẩm khi lưu thông trên thị trường và chủ động rà soát thời hạn của giấy chứng nhận để ra hạn theo đúng quy định. Không sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc từ khu vực mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các điều kiện về giống chè, quy trình sản xuất…, đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý các cấp tích cực tham gia hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hương Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Hương Vân Trà, thành phố Thái Nguyên cho biết: "HTX Hương Vân Trà được sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp, HTX luôn tuân thủ theo quy chế về vùng chè, giống chè và quy trình chăm bón, khẳng định vị thế và chất lượng".

Tương tự, thời gian qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên luôn thực hiện tốt quy định về Quản lý, Quy chế kiểm soát sản phẩm mang nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; nâng cao ý thức tự kiểm tra việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm.

Bà Dương Thị Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Năm 2022, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Sau khi được cấp HTX đã tuân thủ các quy định của Nhà nước về quy chế, tôi thấy hiệu quả sau khi sử dụng chỉ dẫn rất tốt, tăng giá thành sản phẩm và tăng uy tín trên thị trường".

Tính đến hết năm 2022, có 57 tổ chức, cá nhân được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Đây là khẳng định đối với danh tiếng và chất lượng vùng chè Tân Cương, đồng thời là điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất. Bên cạnh đó, một số hộ dân vẫn còn áp dụng nhiều quy trình, tiêu chuẩn khác nhau trong quá trình trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm trà… điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đặc thù của sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ đối tượng được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đối với sản phẩm trà; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại cơ sở, đảm bảo cấp đúng".

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân, giá trị Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường nhờ những đặc trưng của sản phẩm, từ đó làm tăng giá trị sản xuất và thương mại, góp phần giữ gìn và nâng cao chất lượng, danh tiếng của sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”./.