Khi cầm trên tay gói trà hữu cơ mang thương hiệu “Hải Trà”, nhiều khách hàng ấn tượng về chàng trai chân chất, mộc mạc đội nón lá đứng giữa những vườn chè xanh ngắt. Đó chính là Lê Sơn Hải - người đi tiên phong làm chè hữu cơ tại xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng tại vùng chỉ dẫn địa lý trà đặc sản Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Lê Sơn Hải (32 tuổi) tốt nghiệp cử nhân Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2015 nhưng sau đó lại khăn gói về quê trồng chè. |
Nhắc lại chuyện cũ về quyết định của con trai, bà Phạm Thị Vân (mẹ Hải) vẫn còn xuýt xoa bởi nghề làm chè từ đời ông bà, đến bố mẹ vất vả lắm rồi. Khi quyết nuôi Hải đi học đại học đã dứt khoát sẽ không cho về làm chè nữa. “Nhưng mẹ phản đối thế nào thì nó cũng không nghe, nó vẫn quyết đi theo hướng của nó”, bà Vân nói. Cũng theo bà Vân, canh tác chè truyền thống trước đây thường phun, bón nhiều phân, thuốc còn giờ theo cách làm mới của Hải, phải bỏ hết để làm chè hữu cơ. Còn Hải thì chia sẻ, lý do duy nhất để thuyết phục mẹ là “nhà đã có hơn ba đời làm chè” đây được coi là nghề truyền thống để gìn giữ lại nét đẹp văn hóa quê hương. Còn Hải khi quyết làm chè hữu cơ là ấp ủ tái tạo, nuôi dưỡng đất, hồi sinh lại môi trường tự nhiên, sinh thái trên vùng chè quê hương. |
Cây chè theo cách làm truyền thống đang quen “ăn” nhiều phân bón, thuốc trừ sâu không dễ gì thích nghi với phương thức canh tác hữu cơ. Hải nhớ lại, ngay trong năm đầu tiên trồng hữu cơ nhìn vườn chè nhà mình so với vườn nhà khác mà thấy tuyệt vọng. Chè nhà hàng xóm thì xanh tốt còn vườn chè của mình thì cằn cỗi, không phải vì dinh dưỡng thiếu mà vì quá nhiều sâu bệnh. “Nhìn vườn chè bị sâu tàn phá, có những lúc tưởng chừng như tan nát, tuyệt vọng vì bao nhiêu tâm huyết đã dồn cả vào đây”, Hải kể lại. Bất chấp mọi giá về quê khởi nghiệp làm chè hữu cơ, Hải không dễ dàng gục ngã mà mày mò nghiên cứu học hỏi khắp nơi. Bà Vân cũng kể lại: “Chẳng biết nó học ở đâu mà mình nhìn nó làm thì thấy xót ruột. Đỗ tương giá mười mấy nghìn một cân, người chẳng có mà ăn mà nó mua một lúc vài bao tải, chở kìn kìn về nhà, nghiền ra làm phân bón chè. Thuốc trừ sâu không được phun nữa thì nó đi mua gừng, tỏi, ớt về rồi xay ra chế dung dịch phun lên cây chè”, bà Vân nói. Thành công ban đầu với quy trình trồng chè hữu cơ, Hải nghiên cứu chế biến các sản phẩm trà cao cấp hoàn toàn bằng quy trình sao thủ công, tuyệt đối không sử dụng phụ gia để giữ hương vị trà đậm, ngọt hậu vị tự nhiên, mùi thơm ngon nhất. Trà làm ra đều có khách quen đặt hàng trước, làm đến đâu bán hết đến đấy. Đến nay, ngoài chè mộc, loại thấp nhất giá không dưới 500.000 đồng/kg, Hải còn chế biến được nhiều loại trà hoa nhài, trà hoa cúc, trà sen loại đắt nhất lên tới 12 triệu đồng/kg nhưng sản phẩm làm ra chưa đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Sản phẩm trà hữu cơ cũng có nhiều khách hàng ở Nhật Bản, Mỹ và Canada đặt hàng để Hải trực tiếp gửi đi các nước. |
Cơ duyên làm chè hữu cơ giúp Hải làm quen được một kỹ sư Nhật Bản đam mê văn hoá trà. Người này từng tìm về tận vườn giao lưu và giới thiệu Hải làm matcha đổi lại Hải cũng chỉ cách cho họ ướp trà sen. “Nhật Bản cũng có nhiều loại chè nhưng đem ướp sen thì không phù hợp bằng chè vùng đặc sản Tân Cương - Thái Nguyên. Hiện tại, họ vẫn đang nhập chè của mình đưa sang vừa uống vừa thử nghiệm ướp trà sen. Mùa hoa sen năm vừa qua, ông ấy đã lên lịch sẽ ở với tôi nửa tháng để học làm trà sen, chúng tôi vẫn liên lạc và hẹn gặp nhau trong mùa hoa sen tới”, Hải hào hứng nói. |
Lê Sơn Hải cũng trải lòng: “Khi quyết định lựa chọn làm chè hữu cơ, em chỉ nghĩ trước hết là vì sức khỏe của chính mình, chỉ khi vì chính mình rồi mới có thể làm vì sức khoẻ của người khác được. Trở về làm chè, em tìm thấy cho mình niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống và chỉ khi mình thực sự vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể làm ra sản phẩm trà nhân văn, văn hóa”. |