Nâng cao giá trị cây chè ở Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên
Chị Đàm Thị Thanh Huyền, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên với chiếc máy phun thuốc trừ sâu sinh học tự chế.

Dù không được học hành qua trường lớp nào, nhưng với kinh nghiệm trồng chè nhiều năm, chị Đàm Thị Thanh Huyền xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đã tự mình sáng chế ra chiếc máy phun thuốc trừ sâu sinh học từ việc tận dụng máy bơm nước máy tăng áp và động cơ điện cỡ nhỏ. Sau khi đưa vào sử dụng, chiếc máy đã giúp giảm sức lao động. Cây chè nhờ được chăm sóc tốt nên sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Trung bình 1 mẫu chè của gia đình chị Huyền cho thu hoạch 10 lứa/năm. Thu nhập từ bán chè tươi khoảng 25 triệu đồng/lứa.

Chị Huyền cho biết về sự tiện lợi của chiếc máy phun này: “Bình thường một lần phun này độ 4-5 tiếng thì mới hết một bãi chè này, nhưng bây giờ phun cái máy này thì trong vòng khoảng độ 1 tiếng hoặc tầm 1 tiếng ba mươi phút là hết diện tích một mẫu. Cái máy giúp giảm rất nhiều sức lực như không phải đeo mình, trước kia bình thường thường đeo cái máy nổ tầm 25 lít nước cộng với lại cái bình của nó cũng tầm mấy cân, giờ nó giảm được rất nhiều công sức và thời gian”.

Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm trà của địa phương chị Tống Thị Kim Thoa, Xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư một xưởng chế biến rộng 200 mét vuông máy sao ga để thu mua trà tươi về sơ chế chè xanh; đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến trà đinh, trà nõn. Đặc biệt chị còn đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất chè theo hướng hữu cơ, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động là con em trong xã với mức thu nhập từ ba 3-4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trừ chi phí gia đình chị thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Chị Tống Thị Kim Thoa, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân cho biết: “Khi ra thị trường thì mình có sản phẩm nó ổn định. Muốn sản phẩm có chất lượng ổn định thì mình phải quản lý được từ gốc. Cho nên mình thành lập một tổ hợp tác, kết nạp những người có kinh nghiệm sản xuất trà, có diện tích trà liên kết cùng với nhau để làm ra sản phẩm chất lượng, từ đó mới phát triển thị trường”.

Nâng cao giá trị cây chè ở Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên
Máy sao gas hiện đại trong xưởng sản xuất chè của gia đình chị Tống Thị Kim Thoa, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên

Có thể thấy với bản tính cần cù chịu khó và năng động sáng tạo trong lao động sản xuất nhiều người nông dân ở xã Phúc Xuân đã vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà tại địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Nghị quyết của Đảng ủy xã đã xác định cây chè là cây chủ lực để tăng thu nhập cho nông dân. Trên cơ sở đó, Hội tiếp tục triển khai sâu rộng nữa những mô hình chè, xây dựng các tổ hợp tác và cũng hướng cho hội viên nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm”.

Nhờ phát huy tốt tiềm năng lợi thế từ cây chè nên giai đoạn 2020-2025 thu nhập bình quân đầu người ở xã Phúc Xuân đạt 40 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm trên 1ha chè đạt gần 300 triệu đồng. Những kết quả tích cực này sẽ là tiền đề để cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục đề ra những chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống của nhân dân trong những năm tiếp theo./.