Thúc đẩy sản phẩm chè Ocop đạt tiêu chuẩn quốc gia
Nhiều HTX chế biến chè đã có sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao

Ngay từ khi có chương trình OCOP, đối với những xã viên gắn bó với cây chè như bà Lê Thị Quang, thành viên HTX trà Cao Sơn ở thành phố Sông Công đều nhận thức được rằng: chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia sẽ khẳng định được vị thế của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước và coi đây là mục tiêu quan trọng nhất khi tham gia vào HTX.

Bà Lê Thị Quang, HTX trà Cao Sơn, TP Sông Công mong muốn: "đã làm được OCOP 4 sao rồi, giờ chỉ mơ ước làm được OCOP 5 sao. Quan trọng ở khâu chăm bón, làm sao để chè đạt được tiêu chuẩn".

Giai đoạn 2021-2022, HTX trà Cao Sơn ở xã Bình Sơn, thành phố Sông Công được thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiện Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Bình Sơn. Thông qua dự án, HTX đã xây dựng được 8ha chè an toàn, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu an toàn của đơn vị lên 50ha. HTX đã có 5 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm chè của HTX vẫn chưa thể xuất khẩu, đây cũng là một trong số các tiêu chí khó thực hiện nhất để sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.

Thúc đẩy sản phẩm chè Ocop đạt tiêu chuẩn quốc gia
Thái Nguyên còn thiếu vùng sản xuất tập trung nguyên liệu cho sản phẩm OCOP
Thúc đẩy sản phẩm chè Ocop đạt tiêu chuẩn quốc gia
Bón phân hữu cơ cho cây chè

Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX trà Cao Sơn, Sông Công cho biết: "HTX vẫn chưa tìm được thị trường. Sản phẩm OCOP có tiêu chí là phải làm hữu cơ, chúng tôi rất mong muốn đạt được cái chứng nhận này".

HTX Chè Kim Thoa ở xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên có trên 20ha chè của 15 thành viên đều được sản xuất theo hướng hữu cơ và đã được công nhận VietGap. Từ hướng đi này, Hợp tác xã đã được công nhận 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Tuy nhiên để sản phẩm đủ tiêu chuẩn của OCOP 5 sao, không chỉ là việc nâng cao chất lượng chè.

Bà Tống Kim Thoa , HTX chè Kim Thoa, Phúc Xuân, TP Thái Nguyên cho biết: "HTX đang xản xuất theo hướng hữu cơ, theo hướng hữu cơ là phải có chứng nhận. Một tiêu chuẩn nữa là HTX phải nâng cấp nhà xưởng lên nữa thì mới đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao".

Thời gian qua, Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tổ chức xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị hồ sơ, thủ tục liên quan trình cơ quan chức năng chấm điểm, thẩm định… Tuy nhiên, để được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, yếu tố chủ quan nội tại của các chủ thể mới là điều quyết định.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong quá trình triển khai chúng ta thấy còn có những điểm yếu mà chúng ta cần khắc phục, đó là vùng sản xuất tập trung nguyên liệu cho sản phẩm OCOP này, ngoài việc sản phẩm có chất lượng, giá trị cao chúng ta chú ý đến doanh số bán ra lớn thì mới tạo nhiều công ăn việc làm ổn định, bền vững cho người dân".

Các sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP từ cây chè nói riêng là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Thái Nguyên. Khi chất lượng các sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người sản xuất, rất cần sự tiếp tục quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn để Thái Nguyên có thêm nhiều sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia./.