Tin 24h ngày 4/11/2024
Đề xuất xây dựng luật về hoạt động từ thiện
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) khẳng định, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn là đạo lý truyền thống quý báu, là tình cảm rất đáng trân trọng, song cứu trợ sao cho hiệu quả, an toàn và làm thế nào để hàng hóa cứu trợ đến được đúng người, đúng địa chỉ là vấn đề còn nhiều trăn trở.
Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, trong tình hình bão lũ phức tạp, vấn đề bảo quản thực phẩm, vận chuyển đến nơi an toàn, tránh lãng phí để giúp người dân vùng lũ đã khiến nhiều người băn khoăn. Bên cạnh đó, vì là hành động khẩn trương để kịp thời hỗ trợ nên việc thành lập những đoàn cứu trợ thường thiếu tính chuyên nghiệp, đặt trong bối cảnh thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì những người không có đủ kỹ năng, trang thiết bị cần thiết rất dễ gặp nguy hiểm, có thể làm phức tạp thêm quá trình cứu hộ của các lực lượng chuyên nghiệp.
"Đáng lên án là trong khi những hành động đẹp đang được lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít những "con sâu làm rầu nồi canh", lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo..., kêu gọi quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Đã có thời điểm, việc làm từ thiện của một số nghệ sỹ bị dư luận nghi ngờ. Việc tổ chức quyên góp từ cộng đồng một cách nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm dẫn đến hệ quả là báo cáo thu chi sơ sài, không có hóa đơn chứng từ, gây tranh cãi, vướng vào nghi án "ăn chặn tiền từ thiện", đánh mất lòng tin nơi khán giả...", đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu thực tế.
Đặc biệt, mới đây Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc phân bổ, sử dụng các khoản tiền quyên góp. Tuy nhiên, sau khi sao kê được công khai, nhiều cá nhân đã bị phát hiện lợi dụng sự kiện này để chỉnh sửa hình ảnh, "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ nhằm đánh bóng tên tuổi.
"Từ khóa "phông bạt" những ngày qua như một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng để ám chỉ về lối sống giả tạo, "làm màu", khoe mẽ; hệ lụy là không ít cá nhân đã trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Những hành vi như vậy không chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng", đại biểu nhấn mạnh.
Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, vấn đề hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp cần phải được thực hiện cẩn trọng, chuyên nghiệp hơn dưới sự điều chỉnh của một văn bản pháp lý mang tính chuyên biệt. Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề xuất Chính phủ tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi. Việc áp dụng các chế tài pháp lý nghiêm ngặt không chỉ nhằm răn đe mà còn giúp củng cố niềm tin của nhân dân, duy trì sự công bằng trong các hoạt động cứu trợ từ thiện.
Về lâu dài, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng, ban hành luật về tổ chức và hoạt động từ thiện vì đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Các tác động và kết quả của nó sẽ không chỉ là sự đóng góp, chia sẻ về vật chất mà còn là sự phát huy và củng cố tinh thần đoàn kết, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng cần tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, nhất là các địa phương miền núi; chuẩn bị tốt hơn nữa trong công tác phòng tránh, ứng phó với thiên tai. Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để nhanh chóng triển khai các nguồn lực hỗ trợ đến với người dân, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Hôm nay xử phúc thẩm Trương Mỹ Lan kháng cáo án tử hình
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử phúc thẩm của Toà án Nhân dân Cấp cao TP Hồ Chí Minh ngày 4/11. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ra xét xử phúc thẩm về tội Tham ô gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng cho SCB.
Ngày 4/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác ra xét xử phúc thẩm, liên quan đến các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản, Đưa và Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Phiên tòa do Thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm Chủ tọa, dự kiến kết thúc vào ngày 25/11.
Phiên tòa phúc thẩm được mở do có 48 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm trước đó. Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án.
Bên cạnh đó, bị hại là Ngân hàng SCB cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty CP T&H Hạ Long, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh cũng có kháng cáo.
Trước đó, Báo điện tử VTC News đưa tin, hôm 11/4, TAND TP.HCM tuyên án Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB - trốn truy nã); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB); Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) cùng lãnh án chung thân về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước: Chung thân
Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor: 17 năm tù.
Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB): 14 năm tội tham ô tài sản, 6 năm tù vi phạm quy đinh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt: 20 năm tù.
Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, Hồng Kông - chồng Trương Mỹ Lan): Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square: 9 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm gửi Tòa án nhân dân TP.HCM.
Trong đơn, bà Lan cho rằng bản án sơ thẩm với mức án tử hình là quá nặng nề và nghiêm khắc đối với một người phụ nữ như bà.
Bà Lan trình bày về quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ năm 1975, mẹ bà, bà Kha Yêu, bắt đầu kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng tại chợ Bến Thành, Quận 1, sau đó chuyển hướng sang các ngành kinh doanh vàng, bạc, đá quý, và đến năm 1992, chính thức phát triển thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Gia đình bà cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, xây dựng bệnh viện và có nhiều đóng góp trong đợt dịch COVID-19.
Bà Lan cho biết đã cùng cổ đông, người thân và bạn bè hỗ trợ Ngân hàng SCB tái cấu trúc nhằm góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập luận rằng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần với hàng nghìn cổ đông và khách hàng, không phải công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy trách nhiệm toàn bộ cho bà. Trong suốt quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, bà Lan khẳng định đã chủ động sử dụng tài sản và hợp tác với SCB để khắc phục hậu quả.
Trong đơn kháng cáo, bà Lan kính mong HĐXX và các cơ quan tố tụng xem xét thấu đáo và áp dụng hướng xử lý phù hợp để bà có thể nhận được sự công bằng, khách quan, đảm bảo tinh thần nhân đạo của pháp luật.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan xin xem xét lại tội danh mà tòa án cấp sơ thẩm đã buộc tội và mức án tử hình đối với bà.
Theo nội dung vụ án, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85 - 91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
Trong đó, VKSND tối cao xác định nhiều hành vi được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Giá vàng nhẫn, vàng miếng SJC hôm nay tiếp tục giảm mạnh
Cùng với xu hướng chững lại của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC trong nước sáng 4/11 tiếp đà giảm mạnh.
Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, cùng chiều giảm với giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn cũng tiếp đà giảm. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 87,8 - 88,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 87 - 88,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trước đó, giá vàng thế giới chững lại sau một tuần liên tục phá đỉnh. Vào lúc 0 giờ 55 phút ngày 2/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 2.736,28 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ gần như đi ngang ở mức 2.749,2 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong ba phiên đầu tuần này. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã khiến giá vàng giảm 1,5% trong phiên ngày 31/10, sau khi kim loại quý này đạt mức giá cao kỷ lục 2.790,15 USD/ounce.
Bình luận về diễn biến giá vàng trong tuần này, theo các chuyên gia, đây sẽ là tuần cực kì quan trọng của thị trường tài chính nói chung và vàng thế giới nói riêng khi nước Mỹ sẽ có Tổng thống nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, không chỉ có vậy, quyết định chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương lớn khác trên toàn cầu như Ngân hàng Dự trữ Australia, Ngân hàng Anh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ... cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới biến động thị trường tài chính và giá vàng.
Thời tiết ngày 4/11: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh. |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 4/11, không khí lạnh ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, hầu hết các nơi ở phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4.
Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi Bắc Bộ có nơi chuyển rét; từ ngày 5-6/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 17-19 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.
Khu vực Hà Nội ngày và đêm 4/11 có mưa, mưa rào; chiều chuyển lạnh với nhiệt độ phổ biến 21-23 độ C, đêm trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ C.
Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng và dông; ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Từ sáng sớm 4/11 đến sáng sớm 6/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>150 mm/6 giờ).
Từ sáng 4/11 đến sáng 5/11, khu vực Thanh Hóa-Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.
Ngoài ra, ngày và đêm 4/11 ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Trên biển, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4 m. Ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m.
Vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông; vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Quảng Trị: Mưa như trút nước trong thời gian ngắn, nhiều nơi ngập cục bộ
Xe ô tô chết máy nằm lại trên đường Lê Thế Hiếu. Ảnh: NGUYỄN DO |
Sáng 4/11, mưa lớn đã làm ngập cục bộ ở một số tuyến đường tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; giao thông đi lại khó khăn, một số phương tiện bị chết máy, hư hỏng.
Theo ghi nhận của PV, tại đoạn đường giao nhau giữa Hùng Vương và Lê Thế Hiếu bị ngập từ 20-40 cm. Thời điểm ngập úng diễn ra vào buổi sáng sớm, khi người dân ra đường đi làm, học sinh đi học nên giao thông bị ùn tắc.
Theo người dân, việc ngập úng do mưa lớn dồn dập trong nhiều giờ cộng với việc đoạn đường Lê Thế Hiếu hiện nay đang thi công làm cống thoát nước dẫn đến nước mưa không thoát kịp.
Ngoài ra, tại một số tuyến đường khác như Ngô Sỹ Liên và Đặng Dung bị ngập khoảng 30 cm, Thanh Tịnh ngập khoảng 40 cm, ngã 4 Nguyễn Huệ ngập khoảng 20 cm...
Từ 4 - 9/11, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 2 - 3
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 4 - 9/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Dự kiến, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 2 - 3; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi lên mức báo động 1 - 2 và trên báo động 2; các sông ở Bình Định lên mức báo động 1.
Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Nghệ An đến Bình Định; nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, đặc biệt lưu ý các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2.
Cùng với đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ 9 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút ngày 4/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 40 - 70mm, có nơi trên 100mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị); A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, trước tình hình lũ lớn, để chủ động trong công tác ứng phó, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo về lũ nói riêng, thiên tai nói chung cho người dân; vận động, tuyên truyền, thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...
Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Kịch tính giải đua ô tô địa hình VOC 2024
Giải Đua xe Ô tô Địa hình Việt Nam PVOIL Cup 2024 - PVOIL VOC 2024 đã chính thức khép lại tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) sau 03 ngày thi đấu gay cấn.
Năm nay, giải đấu có nhiều điểm mới trong tổ chức và thiết kế đường đua, mang lại sự hấp dẫn đặc biệt. |
71 đội đăng ký thi đấu, hơn 142 vận động viên, trong đó có sự tham gia của 25 tay đua từng lên ngôi vô địch trong các mùa giải trước ở cả 4 hạng đấu: Cơ bản, Bán tải Nâng cao, SUV Nâng cao, Chuyên nghiệp đã mang lại những màn tranh tài kịch tính đến những giây phút cuối cùng cho thấy sức hút của giải đấu off-road lớn và lâu đời nhất Việt Nam.
Đường đua tại khu vực Đồng Mô được cải tiến 40% với các địa hình như đồi đất, hồ nước, rừng, đầm lầy và suối cạn, nhằm tăng cường độ khó và mang lại sự hấp dẫn đặc biệt.
Trong đó phải kể đến việc di chuyển địa điểm một số đường thi như Đường 14, sự kết hợp đường đua bò và đường đua gymkhana thành Đường 8, thêm các hố bẫy ở Đường 4 hay Đường 15 (đường rally) trong rừng... đòi hỏi các vận động viên phải đổi mới chiến thuật thi đấu, nâng cấp về kỹ năng.
Sự kiện năm nay là thử thách đỉnh cao khi các vận động viên tranh tài trên 14 đường đua đầy kịch tính và 500 bài thi đa dạng. Tổng giải thưởng lên tới hơn 500 triệu đồng.
Hạng Chuyên nghiệp, phần thưởng dành cho các đội chiến thắng ở Chuyên nghiệp bao gồm:
- 01 Giải Nhất – Cúp PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận, tiền thưởng 60.000.000 đồng và 01 bộ lốp KO3 của BFGoodrich, tổng giải thưởng lên tới 90 triệu đồng.
- 01 Giải Nhì – Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 30.000.000 đồng.
- 01 Giải Ba - Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 20.000.000 đồng.
Hạng SUV Nâng cao, phần thưởng dành cho các đội chiến thắng ở Hạng SUV Nâng cao bao gồm:
- 01 Giải Nhất – Cúp PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận, tiền thưởng 60.000.000 đồng và 01 bộ lốp KO3 của BFGoodrich, tổng giá trị giải thưởng lên tới 90 triệu đồng.
- 01 Giải Nhì – Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 30.000.000 đồng.
- 01 Giải Ba - Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 20.000.000 đồng.
Hạng Bán tải Nâng cao, phần thưởng dành cho các đội chiến thắng ở Hạng Bán tải Nâng cao bao gồm:
- 01 Giải Nhất – Cúp PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận, tiền thưởng 40.000.000 đồng và 01 bộ lốp KO3 của BFGoodrich, tổng giải thưởng trị giá 70 triệu đồng.
- 01 Giải Nhì – Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 20.000.000 đồng.
- 01 Giải Ba - Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 10.000.000 đồng.
Hạng Cơ bản, phần thưởng dành cho các đội chiến thắng ở Hạng Cơ bản bao gồm:
- 01 Giải Nhất – Cúp PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận, tiền thưởng 40.000.000 đồng và 01 bộ lốp KO3 của BFGoodrich, tổng giá trị giải thưởng lên tới 70 triệu đồng.
- 01 Giải Nhì – Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 15.000.000 đồng.
- 01 Giải Ba - Kỷ niệm chương PVOIL VOC 2024, bằng chứng nhận và tiền thưởng 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó là các giải thưởng dành cho những đội thi Ấn tượng và Cống hiến. Giải nhất ở các bài thi cũng được trao thưởng Voucher PVOIL trị giá 1.000.000 đồng.
Sau 17 năm hình thành và liên tục phát triển, PVOIL VOC đến nay đã thực sự trở thành lễ hội của những người yêu xe, lễ hội của các câu lạc bộ, cộng đồng, người hâm mộ trên khắp cả nước, từ đó thúc đẩy phong trào đua xe địa hình off-road nói riêng và sự phát triển vượt bậc của thể thao đua xe nước nhà nói chung.
Israel tiếp tục các cuộc tấn công tại Gaza và Bờ Tây, 31 người thiệt mạng
Văn phòng UNRWA tại trại tị nạn Nour Shams ở Bờ Tây bị phá hủy. (Ảnh: AFP) |
Cơ quan Y tế Palestine hôm qua (3/11) cho biết, ít nhất 31 người đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel trên khắp dải Gaza. Các cuộc đột kích của Israel tại Bờ Tây cũng phá hủy một văn phòng của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tại đây.
Ít nhất 31 người tại Gaza đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel diễn ra vào hôm qua, trong đó gần một nửa số người tử vong tại các khu vực phía Bắc, nơi quân đội Israel đã tiến hành chiến dịch kéo dài gần một tháng mà họ cho biết nhằm ngăn chặn các tay súng Hamas tái tập hợp.
Theo Cơ quan Y tế Palestine, 13 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công tại Beit Lahiya và Jabalia ở phía Bắc Gaza, trong khi một cuộc không kích tại thành phố Khan Younis ở phía Nam đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em.
Quân đội Israel trước đó cho biết đã bổ sung thêm binh lính cho chiến dịch tại miền Bắc Gaza, đồng thời tuyên bố đã tiêu diệt hàng trăm tay súng Palestine kể từ khi bắt đầu chiến dịch này vào đầu tháng 10/2024.
Trong khi đó, các cuộc đột kích của Israel tại trại tị nạn Nour Shams ở Bờ Tây vào cuối tuần trước đã phá hủy một văn phòng của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), đồng thời khiến 4 người Palestine thiệt mạng.
Việc văn phòng UNRWA bị phá hủy khiến cư dân tại trại tị nạn Nour Shams lo sợ cho tương lai của họ, khi khoảng 13.000 cư dân trong trại tị nạn này phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Israel thông qua đạo luật coi UNRWA là tổ chức “khủng bố” và cấm tổ chức nhân đạo này hoạt động tại Gaza và Bờ Tây.
Trung Quốc: Tàu vũ trụ Thần Châu-18 đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất
Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-19 rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc sáng 30/10/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Vào lúc 15h12 chiều 3/11 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ có người Thần Châu-18 (Shenzhou-18) của Trung Quốc đã tách khỏi tổ hợp trạm vũ trụ Thiên Cung, đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), trước khi tách ra, phi hành đoàn Thần Châu-18, với sự hỗ trợ của nhân viên mặt đất, đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau như thiết lập trạng thái của tổ hợp trạm vũ trụ, xử lý và truyền dữ liệu thử nghiệm, chuyển giao các vật tư còn lại, sau đó thực hiện công tác bàn giao với phi hành đoàn Thần Châu-19.
Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-19 vào ngày 30/10, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng. Trong sứ mệnh lần này, nhóm phi hành gia tàu Thần Châu-19 sẽ tiến hành 86 nghiên cứu khoa học không gian và thử nghiệm kỹ thuật, tiến hành các hoạt động bên ngoài không gian, lắp đặt các thiết bị bảo vệ trạm Thiên Cung khỏi rác vũ trụ.
Các phi hành gia cũng sẽ tham gia các hoạt động giáo dục khoa học, hoạt động phúc lợi cộng đồng và một số bài thử nghiệm tải trọng trong suốt sứ mệnh của mình./.