quan tam cai tao dien tich che trung du gia coi
Người dân xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chăm sóc vườn chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích chè trung du trên địa bàn tỉnh đều được trồng bằng hạt từ nhiều năm trước và hiện đang ở cuối chu kỳ khai thác. Bà con lại trồng lẫn nhiều loại giống (như trung du búp xanh, trung du búp tím...) trên cùng một diện tích. Trong quá trình chăm sóc và canh tác, người dân chỉ tập trung khai thác, chưa chú trọng đầu tư thâm canh. Hơn nữa, do nhiều diện tích không được chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật nên năng suất nương chè ngày một giảm. Cùng với đó, đất trồng chè lâu năm không được cải tạo theo quy trình hợp lý, không được bón hoặc bón quá ít phân hữu cơ khiến đất trở nên quá chua. Luống chè do bà con đi lại hái chè nhiều năm, không được cày xới, đất bị dí chặt, khó chăm sóc. Rồi tình trạng thiếu hệ thống cây cải tạo đất, cây che bóng cũng làm cho các nương chè nhanh chóng bị thoái hóa...

Chị Đàm Thị Hợp, một người dân ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Do nhiều diện tích chè trung du bị xuống cấp, năng suất và chất lượng thấp nên một số hộ đã phá bỏ để trồng thay thế bằng các giống chè lai (như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…). Là một hộ làm chè lâu năm, tôi thấy rất tiếc những đồi chè trung du, bởi không dễ để gây dựng được những đồi chè lâu năm như thế. Tôi chỉ mong các cấp, ngành chức năng có giải pháp phù hợp để cải tạo diện tích chè trung du.

Gần 100 năm trước, dưới bàn tay của người làm chè Thái Nguyên, những búp chè trung du được chế biến thành sản phẩm chè Cánh Hạc - thứ chè đã được phong danh hiệu “Đệ nhất danh trà” trong một cuộc thi về các sản phẩm chè ở đất Hà Thành. Từ đó đến nay, sản phẩm chè trung du vẫn mang hương vị riêng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây chính là minh chứng sống động, khẳng định chè trung du là một thứ đặc sản quý của vùng chè Thái Nguyên. Qua nhiều năm trồng, chăm sóc, người làm chè trong tỉnh đều có chung một nhận xét: Giống chè này có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu rét khá tốt. Đặc biệt, chè trung du có tính thích ứng cao với các vùng chè, có khả năng sinh trưởng mạnh, thân cây to, tán chè rộng, độ che phủ lớn, vì vậy có thể chống xói mòn và rửa trôi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Chè trung du cũng rất phù hợp với sản xuất chè vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Xác định giống chè trung du là nguồn nguyên liệu sản xuất chè xanh đặc sản nên tỉnh rất quan tâm đến việc cải tạo diện tích đã xuống cấp. Khi những nương chè này phát triển không chỉ cho năng suất, chất lượng cao hơn mà còn trở thành địa điểm đẹp cho du khách tham quan.

Với mục tiêu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo những nương chè trung du thoái hóa, xuống cấp, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn người dân thực hiện những kỹ thuật cần thiết cũng như xây dựng các chương trình, dự án khả thi. Đơn cử như dự án khoa học Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững tại vùng chè Tân Cương do Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên triển khai. Dự án được triển khai từ năm 2015, trên diện tích 6ha của 23 hộ dân có vườn chè trung du được trồng từ 20 đến 50 năm ở các xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu. Tham gia mô hình, các hộ dân tiến hành đồng thời các giải pháp chính như sử dụng các biện pháp đốn hái chè phù hợp với vườn cải tạo; trồng cây cải tạo đất xung quanh vườn chè, trồng dặm giúp vườn chè đảm bảo mật độ không bị mất khoảnh; sử dụng các loại phân bón phù hợp với việc cải tạo vườn chè theo hướng tăng năng suất và sản lượng như bón thêm các loại phân vi lượng, bón đủ lượng và đúng cách phân đạm, lân, kaly, bổ sung các loại phân bón qua lá... Nhờ đó, sau hơn 2 năm cải tạo, trẻ hóa, toàn bộ diện tích chè trên đã có mật độ búp dày hơn, khối lượng búp lớn hơn nên năng suất đạt được cao hơn hẳn so với nương chè không được cải tạo. Năng suất chè bình quân đạt 595 kg búp tươi/sào cao hơn so với nương chè không được cải tạo gần 120kg/sào. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm chè búp khô cũng được nâng lên rõ rệt khi ngoại hình, màu nước pha, mùi hương và vị đều tốt hơn rất nhiều so với nương chè chưa cải tạo, chè đạt tiêu chuẩn xếp loại tốt. Điều đáng nói là sau khi trừ chi phí, 1ha chè trung du được cải tạo cho thu lãi gần 700 triệu đồng, cao hơn 200 triệu đồng/ha so với diện tích chè trung du sản xuất đại trà.

Với những thành công trên, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích các địa phương tích cực triển khai các biện pháp cũng như thực hiện nhiều chương trình, dự án khả thi để cải tạo những diện tích chè trung du đã già cỗi, xuống cấp, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất chè, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.