Chè Thái Nguyên và mối duyên APEC
Chật vật xây dựng thương hiệu
Chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Hải vào những ngày cuối tháng 11/2017, sau khi Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng thành công tốt đẹp. Và sản phẩm chè La Bằng đã làm tròn trọng trách là một trong những món quà biếu cao cấp tại sự kiện này.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng chè La Bằng, cây chè đã gắn bó với bà từ thời thơ ấu. Bà theo mẹ làm chè, bán chè từ lúc học vỡ lòng. Hương chè, vị chè đi cùng bà vào từng bữa ăn, giấc ngủ. Và tình yêu với cây chè cứ thế lớn dần theo năm tháng. Thế nhưng, thời ấy, người làm chè quê bà vô cùng vất vả, thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương mà giá lại rất rẻ bởi hầu hết khách hàng đều không biết chè La Bằng ở đâu. “Tôi đi bán chè ở chợ Rồng (Nam Định). Chè bày ra, ai uống thử cũng đều thích nhưng khi tôi nói là chè La Bằng thì không ai biết ở Thái Nguyên có chè La Bằng. Nhiều người còn tưởng La Bằng ở tỉnh Cao Bằng...” – Bà Hải nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Hải – Chủ nhiệm HTX Chè La Bằng bên những đồi chè bà đã gắn bó từ thời thơ bé |
Sau đó, năm 2001-2002, gia đình bà tham gia Liên hiệp các HTX chè Tân Cương, Thái Nguyên. Lúc đó, bao bì in trên sản phẩm là sản phẩm chè của Liên hiệp HTX, phía dưới mới đề sản xuất tại La Bằng. Lúc bấy giờ, sản phẩm bán đắt hàng và được khách hàng đánh giá rất cao. Đến khi sản phẩm chỉ ghi HTX chè La Bằng thì lại không được khách hàng đón nhận vì không biết Thái Nguyên có chè La Bằng.
Sau khi tham dự các lớp tập huấn, tìm hiểu qua nhiều giảng viên có kinh nghiệm, bà Hải nhận ra, nguyên nhân của tình trạng trên là do sản phẩm quê bà chưa xây dựng được thương hiệu. Từ đó, bà nung nấu quyết tâm tạo dựng thương hiệu cho chè La Bằng, để cái tên La Bằng đi vào lòng người tiêu dùng một cách tự nhiên và bền vững.
Tháng 12/2006, được sự ủng hộ của chính quyền xã, Hợp tác xã chè La Bằng do bà Hải làm chủ nhiệm được thành lập với 9 thành viên ban đầu. Mục tiêu trước mắt là xây dựng cho được thương hiệu chè La Bằng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Sang năm 2007, bà Hải mạnh dạn nộp đơn về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị được cấp chứng nhận nhãn hiệu chè La Bằng. Tuy nhiên, bà được giải thích rằng HTX chỉ là một nhóm người, không thể lấy tên địa danh của cả xã. Sau khi có người tư vấn đăng ký nhãn hiệu theo cách viết bỏ dấu của tiếng Anh, bà Hải đã đăng ký nhãn hiệu chè La Bang và được cấp chứng nhận thương hiệu vào tháng 10/2008.
Sau đó là hành trình quảng bá, giới thiệu miễn phí, tặng uống thử tại các hội chợ từ Bắc vào Nam. Nhiều năm trời ròng rã không biết mệt mỏi, có những lúc tưởng như muốn bỏ cuộc bởi lượng chè bán ra không được như mong đợi, thế nhưng suy đi tính lại bà Hải nhận thấy, nếu rút lui, quay lại làm theo cách cũ thì rất vất vả. Vậy là bà cùng mọi người trong HTX lại cùng nhau xốc lại tinh thần, quyết tâm không chạy theo số lượng, làm “chè sạch từ tâm”, tận dụng mọi cơ hội để đưa chè La Bằng đến với người tiêu dùng. Trời không phụ lòng người, dần dần, thương hiệu chè La Bằng bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, doanh thu của HTX năm sau cao hơn năm trước.
Và mối duyên với APEC 2017
Bà Hải vẫn không thể quên được cảm giác vỡ òa, sung sướng vô bờ bến khi mọi người trong HTX chè La Bằng hay tin sản phẩm “Đinh tâm trà” của họ được lựa chọn là một trong những món quà biếu quý giá tại Hội nghị cấp cao APEC 2017. Họ ôm chầm lấy nhau reo hò bởi sau 11 năm ròng nỗ lực không mệt mỏi, công sức dường như đã được đền đáp.
Sản phẩm “Đinh tâm trà” được đựng trong những chiếc hộp tre gây ấn tượng mạnh với các vị khách tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 |
Và cũng không phải dễ dàng để sản phẩm chè La Bằng vượt qua rất nhiều thương hiệu nổi danh khác, ghi tên mình vào danh sách quà tặng cấp cao. Bà Hải cho biết, để làm ra được những gói “Đinh tâm trà” thơm ngon là cả một quá trình vô cùng tỉ mỉ và kỳ công. Chè được lựa chọn là chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo sạch và an toàn tuyệt đối. Khi hái chè chỉ hái duy nhất một đinh để chọn được búp chè tinh túy nhất và người hái cũng phải là những người có kỹ thuật cao, hái nhẹ nhàng như đang nâng niu từng búp chè vậy. Thời điểm hái chè là từ 7 đến 9 giờ sáng, vào những ngày thời tiết không mưa cũng không nắng gắt. Sau khi hái, những búp chè phải được bảo quản thật cẩn thận. Người chế biến chè cũng phải là những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, có thái độ cầu thị sâu sắc. Một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng của “Đinh tâm trà” được bà Hải tiết lộ đó là bí quyết để đấu trộn sản phẩm giữa các giống chè ngon sao cho “đinh tâm trà” có vị đậm đà của chè trung du, có vị thơm mát của chè Lai 1 và có cái hương hoa của chè Long Vân. Người làm chè La Bằng gọi đây là “sự đoàn kết” của các giống chè.
Sau khi tìm hiểu bà Hải được biết, sở thích của đại đa số các vị khách quốc tế khi uống trà đó là uống nhạt, thanh tao. Và hương vị của “Đinh tâm trà” rất phù hợp với thị hiếu đó. “Đinh tâm trà” khi pha ra có màu nước xanh trong; khi uống hương vị nhẹ nhàng, mùi hương thơm mát, dịu êm…
Với mong muốn sản phẩm ngon phải được đựng trong bao bì đẹp, có vậy mới tạo được ấn tượng hoàn hảo, bà Hải tiếp tục tìm tòi để làm cho “Đinh tâm trà” những chiếc hộp đựng thật là ấn tượng. Suy nghĩ mãi, bà nhận ra, cây tre từ bao đời nay đã gắn bó với người Việt. Vì vậy bà quyết định chọn tre là chất liệu chính làm bao bì sản phẩm. Sau khi đặt hàng làm mẫu, ai cũng hài lòng vì sản phẩm hộp tre được làm thủ công, nhìn thì rất mộc mạc, đơn giản nhưng cũng không kém phần tinh tế, sang trọng.
Giữa cái không khí se lạnh của những ngày cuối đông đầu xuân, được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hải và nhâm nhi những ngụm “Đinh tâm trà” thơm ngon, quả thật là một cảm giác vô cùng thanh tao, thi vị. Không cần phải là những người quá sành trà cũng có thể cảm nhận được hương vị rất riêng của “Đinh tâm trà”, nó chát nhẹ, ngọt hậu, đọng lại nơi cuống họng, vương vấn mãi không thôi. Mong cho sản phẩm “Đinh tâm trà” nói riêng và những sản phẩm chè ngon khác của Thái Nguyên nói chung sẽ biết tận dụng những cơ hội vàng như sự kiện APEC 2017 để nâng tầm thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới.