Người dân xã Văn Hán mong được xóa bán điện qua công tơ tổng
Xóm Ba Quà, xã Văn Hán có 80 hộ dân thì còn 19 hộ vẫn phải dùng điện qua công tơ tổng. Đến nhà anh Lâm Văn Sửu là 1 trong 19 gia đình kể trên, chúng tôi thấy đường dây điện trần nối từ công tơ tổng ngoài đường, mắc qua cột gỗ đã mục, chạy qua vườn, mái nhà tắm và nhà bếp. Đường dây điện trần này đung đưa khi có gió mạnh gây nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng con người đặc biệt khi trời dông bão. Không chỉ lo lắng như chúng tôi, ông Sửu chia sẻ: Mua điện qua công tơ tổng thì nguồn điện áp cũng yếu, nhiều lúc không đủ để chạy máy sao chè, hoặc chạy máy bơm nước phục vụ sản xuất. Trong khi đó, giá điện lại cao hơn, trung bình chúng tôi phải trả 2.500 đồng/số điện. Vì giá cao như thế, nên chúng tôi cũng hết sức tiết kiệm, nhiều khi hạn chế bật quạt để tiết kiệm tiền điện phải trả.
Ông Lâm Văn Thắng, trưởng xóm Ba Quà cho biết, 19 hộ còn sử dụng điện qua công tơ tổng đều là những hộ sản xuất chè. Vì điện yếu, không đủ phục vụ đời sống, sản xuất nên các hộ dân người dân bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, đến nay đường điện đã xuống cấp, có lần đã bị chập điện, không đủ an toàn. Do đó, gia đình ông Sửu và các hộ trong xóm có nguyện vọng được xóa bán điện qua công tơ tổng, đề nghị các cấp ngành quan tâm giúp đỡ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, địa bàn xã Văn Hán vẫn còn gần 100 hộ dân ở 12 xóm chưa được xóa bán điện qua công tơ tổng, vẫn dùng điện theo tổ. Mỗi tổ có từ 5-7 hộ dùng chung đường dây được kéo từ trạm biến áp đến các công tơ tổng rồi chia cho từng nhà. Do đó xảy ra tình trạng hao phí điện và điện yếu. Điện thường yếu nhất vào khoảng từ 10 giờ đến 12 giờ trưa, 17 giờ đến 21 giờ tối. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của bà con.
Ông Hoàng Văn Thái, xóm Phả Lý, cho biết, gia đình chúng tôi dùng điện qua công tơ tổng đã nhiều năm nay. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sản xuất, tình trạng điện yếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Điện yếu khiến các thiết bị sử dụng điện rất dễ bị hư hỏng. Vào những giờ cao điểm trong ngày như trưa và tối, người dân không thể sử dụng điện để nấu cơm, bơm nước hay sao chè. Điện yếu khiến máy bơm nước của gia đình tôi thường xuyên nóng ran, dẫn đến bị hỏng.
Nói về tình trạng này, ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết, Những năm gần đây, Văn Hán cũng đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư để phát triển mạng lưới điện. Đến nay toàn xã đã có 17 trạm biến áp, tăng 5 trạm so với năm 2004, và có trên 30km dây điện bọc thay thế dây điện trần. Tuy nhiên, trong xã vẫn còn nhiều hộ vẫn phải dùng điện qua các tổ nhóm, toàn xã vẫn còn gần 3.000 m dây điện trần chưa được thay thế. Với đặc điểm là xã vùng sâu, có nhiều diện tích đất đồi, người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề làm chè và cấy lúa. Việc tưới nước phục vụ cho sản xuất trên các đồi chè còn phụ thuộc nhiều vào các máy bơm. Trong khi đó, giá điện cao và chất lượng điện rất kém khiến các hộ dân chưa được xoá bán tổng chịu thiệt thòi lớn so với các hộ dân khác lân cận. Vì vậy chúng tôi mong các các ngành chức năng nhanh chóng xoá bán điện qua công tơ tổng, xây dựng thêm các trạm biến áp… để người dân được sử dụng điện ổn định, thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế.