Nâng cao giá trị cây chè huyện Định Hóa
Những ngày này, tại khắp các vùng chè trên địa bàn huyện Định Hóa không khí chuẩn bị cho Lễ vinh danh các làng nghề chè lần thứ nhất năm 2018 đang diễn ra hết sức sôi nổi. Người trồng chè nơi đây cũng cùng chung niềm vui không xiết...!
Vui mừng đón chúng tôi trong căn nhà còn đượm hương chè mới, chị Dương Thị Nở ở xã Sơn Phú vui mừng đáp "Trước đây chè của chúng tôi khi bán cao lắm cũng được khoảng 100 nghìn/kg. Nhưng từ khi áp dụng quy trình khép kín từ sản xuất tới đóng gói, bảo quản trước khi xuất bán, giá chè của Sơn Phú đã đạt đến ngưỡng 300 nghìn đồng/kg".
Quả thực, những gia đình làm chè có mức thu nhập hàng năm 200 triệu đồng ở Sơn Phú giờ đây là không hiếm, tuy nhiên, vấn đề thương hiệu vẫn đang là điều người làm chè ở Sơn Phú cũng như các vùng chè của Định Hóa trăn trở.
Đồi chè Định Hóa hôm nay |
Chị Nở chia sẻ thêm "Hiện nay, chúng tôi mới chỉ bán được chè cho các lái buôn, chứ chưa có đầu ra để ổn định để cây chè có giá cao. Bây giờ, người trồng chè chúng tôi cũng đã nhận thức được việc nâng cao chất lượng cũng như đưa sản phẩm chè bay xa, nên rất đầu tư, do đó, chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ để sản phẩm chè của chúng tôi được nhiều người biết đến".
Theo thống kê, sản lượng chè búp tươi năm 2017 của Định Hóa đạt gần 24.000 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm 2016. Có thể thấy, diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế của cây chè Định Hóa những năm gần đây đã có những bước phát triển rõ rệt nhờ những chính sách phát triển hợp lý của huyện. Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị cây chè ở Định Hóa đang gặp không ít khó khăn do chưa hình thành được mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Nhà máy chè Sơn Phú trăn trở "Để sản xuất một cách bền vững, lâu dài, đảm bảo quyền lợi giữa người nông dân, doanh nghiệp và có đóng góp cho ngân sách địa phương, theo tôi, chúng ta cần hình thành các tổ, nhóm sản xuất, quy mô từ 20 hộ, sau đó, chúng ta có định hướng về giống, quy trình chăm bón, sản xuất và định hướng thị trường tiêu thụ".
Chè Định Hóa hôm nay đã được biết đến nhiều hơn với hương vị và chất lượng riêng có |
Bà Triệu Thị Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Định Hóa cho biết "Huyện đã hỗ trợ trồng mới cây chè, trong đó, ưu tiên trồng thay thế các diện tích chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng các loại chè cành có năng suất chất lượng cao, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn Tiêu chuẩn VietGap cho các diện tích chè kinh doanh, hỗ trợ máy tưới nâng cao năng suất và sản xuất chè vụ đông, hỗ trợ máy hút chân không, máy xao chè bằng ga để nâng cao năng suất".
Xác định được hướng đi đúng đắn, việc phát triển các làng nghề chè và xây dựng, quảng bá thương hiệu cho cây chè và sản phẩm trà cũng đang được huyện Định Hóa đặc biệt chú trọng. Đến nay, huyện có 19 làng nghề sản xuất, chế biến chè, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước gần 24.000 tấn/năm. Định Hóa cũng là huyện đẩy nhanh việc chuyển đổi và sản xuất chè theo tiêu chuẩn Vietgap với trên 21% tổ diện tích, sản lượng đến nay là trên 2.800 tấn/năm. Đối với các sản phẩm chè an toàn cũng đã được nhiều hộ dân chủ động đăng ký mã vạch, tên, tuổi, địa chỉ để xuất bán ra thị trường.
Việc hình thành các Làng nghề chè cũng là một trong những giải pháp giúp cây chè phát triển và đưa sản phẩm trà Định Hóa vươn xa |
Đến năm 2020, Định Hóa sẽ duy trì ổn định diện tích chè từ 2.600 - 3.000ha, trong đó, trên 500ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, huyện cũng định hướng để các làng nghề chè chú trọng vào chất lượng sản phẩm với các sản phẩm tinh chế, xuất khẩu và định hình một số lượng chè đặc sản chất lượng cao…
Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè Định Hóa, huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Dự án Phát triển cây chè (trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020) và theo Quy hoạch ngành Nông nghiệp huyện Định Hoá đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất chè trọng điểm gồm 16 xã để làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao.
Hoạt động xúc tiến thương mại cũng sẽ được Định Hóa chú trọng, thông qua những hoạt động như tổ chức Lễ vinh danh các làng nghề chè năm 2018. Đây cũng chính là hoạt động thiết thực tạo đà để sản phẩm trà Định Hóa trong tương lai gần sẽ chắp cánh vươn xa./.