Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong dạy và học trực tuyến tại huyện miền núi Định Hóa
Học sinh huyện Định Hóa tham gia học tập trực tuyến.

Sau một thời gian dài nghỉ học dịp Tết Nguyên đán và phòng, chống dịch COVID-19, những ngày qua, em Nông Quỳnh Phương, học sinh lớp 8A, Trường THCS Phượng Tiến, huyện Định Hoá đã bắt đầu quay trở lại với việc học tập bằng phần mềm học trực tuyến để ôn luyện những kiến thức cần thiết cho các môn học. Tuy nhiên, quá trình học tập theo hình thức này của Phương đã gặp một số khó khăn trong khâu tiếp thu kiến thức. Em Nông Quỳnh Phương chia sẻ: "Học trực tiếp sẽ dễ dàng tiếp thu bài giảng của các cô và có thể hỏi các cô bất cứ điều gì mà mình không hiểu; còn học trên internet, các cô sẽ gửi bài cho chúng em làm và khi muốn hỏi các cô sẽ khó hơn".

Mặc dù, luôn nỗ lực cố gắng đầu tư các thiết bị cho con đáp ứng cơ bản nhu cầu học trực tuyến trong thời gian tạm dừng đến trường. Tuy nhiên, ông Nông Quốc Minh, phụ huynh học sinh Nông Quỳnh Phương cũng chia sẻ về những khó khăn của gia đình; đồng thời, nhìn nhận về những khó khăn, hạn chế của các gia đình trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn như Phượng Tiến. Ông Nông Quốc Minh cho hay: "Đặc thù của trường là nằm trên địa bàn nông thôn, nhiều gia đình còn khó khăn; học trực tuyến phải mua điện thoại hoặc máy tính và lắp mạng, chắc chắn sẽ có những gia đình gặp khó khăn trong vấn đề này".

Qua khảo sát mức độ đáp ứng về phương tiện của học sinh phục vụ việc học trực tuyến trong thời gian tạm dừng đến trường để phòng tránh dịch bệnh COVID-19, Trường THCS Phượng Tiến có 198 trong tổng số 200 học sinh có phương tiện học trực tuyến theo thời khoá biểu của nhà trường. Rút kinh nghiệm triển khai từ những lần nghỉ học để phòng, chống dịch năm học trước và thực tế triển khai việc học trực tuyến đợt học này, nhà trường đã xây dựng những giải pháp để triển khai thực hiện.

Bà Mai Thị Kiều Anh, Hiệu trưởng trường THCS Phượng Tiến cho biết: "Nhà trường cũng có nhiều giải pháp như: tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên; các giáo viên nêu cao tinh thần tự học, tự trao đổi để có thể sử dụng được những phần mềm trong quá trình dạy học. Đối với gia đình học sinh, chúng tôi đã có công văn gửi tới toàn thể gia đình học sinh, đề nghị các gia đình tạo điều kiện tốt nhất về phương tiện dạy học, thời gian học, tạo điều kiện để các em có thể tiếp cận với những phương tiện học để các em có thể tiếp thu bài".

Khác với học sinh trung học cơ sở và các bậc học cao hơn, tính tự học của học sinh tiểu học chưa cao, nhất là đối với học sinh các lớp đầu cấp. Chính vì vậy, khi các trường tiểu học ở huyện miền núi Định Hóa triển khai hình thức học trực tuyến đối với cấp tiểu học trong thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19, khó khăn sẽ đặt ra đối với cả nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Bà Phạm Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Hội thông tin: "Tâm lý lứa tuổi của các em học sinh tiểu học còn nhỏ, đến lớp nhiều em cô giáo còn phải cầm tay dạy các em viết, dạy các em đọc, nhưng bây giờ phải dạy học từ xa là rất khó khăn, các em tập trung chưa cao. Trong khi các phụ huynh học sinh phải đi làm trở lại, nên không dành được nhiều thời gian cho các em trong việc kèm cặp con học tại nhà. Chúng tôi sử dụng một số hình thức như: dạy học trực tuyến qua phần mềm Meet, Zoom, một số bài giảng trên mạng đã được kiểm duyệt, gửi bài qua Zalo, Facebook qua nhóm lớp, gửi phiếu học tập tới tất cả các em học sinh để các em làm bài tốt theo thời khóa biểu của nhà trường đã và đang thực hiện".

Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong dạy và học trực tuyến tại huyện miền núi Định Hóa
Huyện Định Hóa vẫn còn gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học trực tuyến.

Huyện Định Hoá có 69 trường mầm non, tiểu học và THCS với tổng số gần 20.000 học sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa cũng thực hiện chủ trương chỉ đạo của cấp trên. Đơn vị đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện chủ trương cho học sinh tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học, thông qua hình thức dạy và học trực tuyến. Kết quả khảo sát của các trường cho thấy, có trên 80% các học sinh có thể tham gia việc học trực tuyến qua các thiết bị hỗ trợ, bằng điện thoại thông minh và các điều kiện khác. Cùng với những khó khăn về cơ sở vật chất thì đội ngũ giáo viên, địa hình miền núi phức tạp cũng là những vấn đề đặt ra đối với địa phương trong quá trình dạy và học trực tuyến trên địa bàn. Để đáp ứng tối đa nhu cầu cũng như chất lượng dạy và học của cô và trò các nhà trường trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã chỉ đạo các nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại các địa phương xây dựng kế hoạch, lựa chọn những giải pháp cụ thể, sát thực đáp úng tốt nhất nhu cầu dạy và học trực tuyến trên dịa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hoá nhấn mạnh: "Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường tiến hành khảo sát và phân loại các điều kiện của học sinh, nếu những học sinh có thể tham gia học trực tuyến sẽ phân lớp để tổ chức học riêng. Đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến, các nhà trường cũng có thể chỉ đạo các giáo viên giao bài qua các phần mềm hỗ trợ và trong quá trình giao bài và dạy học thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng của học sinh. Tuy nhiên, khó khăn nhất của địa bàn huyện Định Hóa là nhiều học sinh bố mẹ đi làm xa, học sinh ở với ông bà cho nên điều kiện về thiết bị, về phương tiện học tập rất khó, cho nên chúng tôi có định hướng đối với những học sinh không có điều kiện để tham gia học tập có thể thành lập theo nhóm học sinh, không quá 3 học sinh 1 nhóm, các em có thể đến nhà các bạn học sinh có thiết bị học tập; nhưng trong quá trình học theo nhóm, các em vẫn phải đảm bảo duy trì thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Sau khi kết thúc chương trình học, chúng tôi sẽ có chỉ đạo để khảo sát chất lượng đối với những mảng kiến thức mà học sinh còn nắm chưa vững, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch để phụ đạo và bồi dưỡng cho học sinh với mục tiêu đảm bảo kế hoạch và phân phối chương trình".

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc dạy, học trực tuyến được coi là một giải pháp tình thế. Đại đa số các trường đều nằm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, chỉ một số ít trường ở vùng trung tâm huyện mới có thể đáp ứng cơ sở vật chất cho việc học trực tuyến. Chính vì vậy, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể được đặt ra để khắc phục những khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo Định Hoá quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ vừa chống dịch vừa đảm bảo tiến độ dạy và học của cô và trò các nhà trường trên địa bàn./.