Phát huy vai trò của hợp tác xã trong chuỗi giá trị
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giúp nông sản khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường |
Là đơn vị sản xuất rau xanh lớn trên địa bàn huyện Phú Bình, HTX Bình Minh có quy mô 10ha với 58 thành viên tham gia. Hiện, rau xanh của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP và cung cấp cho một số siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Từ việc trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, 100% thành viên của Hợp tác xã đã thoát nghèo. Từ những nông dân chỉ biết trồng các loại rau để bán lẻ tại các chợ truyền thống, hiện nay các thành viên HTX đã thay đổi tư duy rõ rệt, ngày càng đam mê với sản xuất nông nghiệp xanh.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX rau Bình Minh, Phú Bình, Thái Nguyên |
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX rau Bình Minh, Phú Bình, Thái Nguyên cho biết: Các thành viên trong Hợp tác xã cũng rất mong muốn được mở rộng diện tích và có được nhiều những nhà kính như này hơn nữa để các bác ấy yên tâm sản xuất vì nó phù hợp với thời tiết, đảm bảo được chất lượng và đưa ra thị trường được ngày một tốt hơn.
Đối với Hợp tác xã nông sản an toàn Gốc Gạo ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân địa phương mà còn có vai trò quan trọng để xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới thông minh. Hiện HTX có 2ha chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, 6 ha đang làm theo quy trình hữu cơ. Từ đó, giá trị các sản phẩm từ trà đã tăng lên từ 20-30%.
Ông Đồng Văn Khánh, HTX nông sản an toàn Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên |
Ông Đồng Văn Khánh, HTX nông sản an toàn Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: Bà con nhân dân cũng thấy được lợi ích đem lại trước mắt là về sức khỏe, thứ hai là về giá trị sản phẩm bán thì cũng được nâng cao lên hơn so với trước kia.
Toàn tỉnh hiện có trên 6.200ha diện tích cây nông nghiệp được chứng nhận VietGAP; có 69 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Có gần 100% HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số, mạng xã hội… Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số nông nghiệp được ví là chìa khóa để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu hướng đến phát triển kinh tế số, cũng là động lực để các chủ thể nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương, tăng cơ hội đưa nông sản đến với những thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú, Phú Bình, Thái Nguyên |
Ông Nguyễn Văn Tuyên, HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú, Phú Bình, Thái Nguyên cho biết: Trước kia chúng tôi bán hàng là phải đi mời gọi, chào các khách hàng. Nhưng mà bây giờ được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số thì hiện nay chúng tôi cũng đã dùng các nền tảng mạng xã hội, ví dụ như: Tiktok, Facebook, Fanpage và đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử và hiện nay tôi thấy trong Hợp tác xã chúng tôi đã sử dụng những nền tảng đó, tôi thấy rất nhiều hiệu quả, sức lan tỏa của nó mạnh và đã đem lại hiệu quả tốt cho Hợp tác xã của chúng tôi.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giúp nông sản khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đặc biệt góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ 4.0./.