Vai trò của Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Sông Công
Một góc TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên |
Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ thành phố đã đề ra Nghị quyết phấn đấu xây dựng cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo hướng tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng, đưa lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 75%, ngành thương mại dịch vụ chiếm 20%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm tỷ trọng 5%. Tuy nhiên, nhiệm kì vừa qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Sông Công lại đạt được thành tựu rất đáng tự hào. Đánh giá một cách khách quan, bên cạnh sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thì lĩnh vực nông nghiệp đã được Đảng bộ thành phố chỉ đạo chuyển dần sang một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Đảng bộ thành phố coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho các hoạt động nông nghiệp phát triển. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại đã được nông dân mạnh dạn áp dụng; đưa Sông Công trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TP Sông Công cho biết: "Nhờ thực hiện chương trình, nhận thức của người dân đã thay đổi, từ suy nghĩ phải làm nông thôn mới, bây giờ chuyển sang người dân sẵn sàng làm nông thôn mới và mong muốn làm nông thôn mới. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của các xã, phường, đặc biệt các xóm đã được thành phố đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Huy động được nguồn lực của nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới. Cảnh quan môi trường, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, phát huy được phong tục, tập quán của địa phương".
Đến nay, thành phố Sông Công đang tự tin bước những bước đi vững chắc trên con đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong nhân dân, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2018, và có 5 xóm được công nhận xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Mặc dù, diện tích đất nông nghiệp giảm, nhưng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng năm vẫn tiếp tục gia tăng. Nếu năm 2016 đạt 610 tỷ đồng, thì hiện nay đã đạt trên 700 tỷ đồng. Sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hàng năm đạt trên 24.000 tấn, số mô hình sản xuất triển khai thực hiện theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được nghiệm thu gần 40 mô hình, hàng năm, duy trì trồng rừng được từ 70 - 100ha, trồng chè từ 20 - 30 ha...Kết quả nhiệm kỳ vừa qua, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng trên 6%. Giá trị sản phẩm trên 1ha diện tích trồng trọt đến nay đạt 100 triệu đồng.
Đồng chí Hoàng Thái Cương, Bí thư Thành ủy Sông Công trao đổi với phóng viên |
Đồng chí Hoàng Thái Cương, Bí thư Thành ủy Sông Công thông tin thêm: "Để Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, thành phố Sông Công tiếp tục triển khai cơ chế đặc thù, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng nông thôn; triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố tiếp tục chỉ đạo mỗi xã xây dựng 1 xóm làm điểm về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; từ đó, nhân ra diện rộng và phấn đấu đến năm 2025, cả 3 xã đều đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao".
Điểm nhấn của Đảng bộ thành phố Sông Công đó là xác định: khi tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp thu hẹp nhường chỗ cho công nghiệp xây dựng thì đã nhanh chóng chuyển hướng xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã đi đúng hướng để đạt được những thành công đáng ghi nhận. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố niềm tin của người dân với Đảng, đồng lòng, nhất trí với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao./.