Đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu chào mừng của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo, triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực đối với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã dành nguồn lực ưu tiên, qua đó, hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất được đầu tư, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua hội nghị lần này, đồng chí mong muốn từ kinh nghiệm của 18 địa phương khác trong khu vực, Thái Nguyên sẽ có thêm thực tiễn, đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình trong giai đoạn 2 (2026-2030).
Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,2%, trong đó một số tỉnh giảm nghèo cao. |
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện chương trình của 19 tỉnh là trên 47 nghìn 157 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ trên 37 nghìn 890 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 9 nghìn 274 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/9/2024, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 58,3%, vốn ngân sách địa phương đạt 75,7%; một số tỉnh sử dụng ngân sách địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn so với các tỉnh sử dụng ngân sách trung ương: Quảng Ninh 96,5%, Vĩnh Phúc 95,4%... Đến thời điểm đánh giá, có 5/8 nhóm mục tiêu cơ bản đã đạt kế hoạch, các địa phương hoàn thành tốt theo tiến độ, gồm: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên…; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,2%, trong đó một số tỉnh giảm nghèo cao.
Tại hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương, tập trung đánh giá đóng góp của chương trình vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đồng thời, chỉ ra những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng tới tiến độ, kết quả thực hiện chương trình…
Tại hội nghị, tỉnh Thái Nguyên đề xuất Trung ương sớm hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách triển khai Chương trình giai đoạn II từ năm 2025 để địa phương kịp thời triển khai rà soát; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh trong thực tiễn triển khai của giai đoạn tới; đề xuất Trung ương phân bổ vốn theo tổng mức, giao quyền phân bổ vốn chi tiết các nội dung, dự án thuộc Chương trình cho cấp tỉnh thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ của Chương trình. Điều này tạo sự linh hoạt và trách nhiệm cho các cấp địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn; nghiên cứu tổng kết việc thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024-2025 theo Nghị quyết 111 của Quốc hội để sớm có hướng đề xuất cho giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh tầm quan trọng của CTMTQG trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: "Hệ thống thể chế có những nội dung còn chưa theo kịp thực tiễn, chứng minh là chính những dự án chúng ta không thể triển khai vì vướng về hướng dẫn, về thể chế. Nếu có thể chế rõ ràng thì thứ hai là vấn đề về nhân lực, con người để tổ chức triển khai. Chúng ta vẫn còn số lượng ít, kinh nghiệm chưa có; có rất nhiều đầu mối cùng tham gia cho nên sự phối hợp chưa thực sự nhịp nhàng. Thứ ba là tình hình thực tiễn biến động, có những dự án đầu năm 2019, lúc đó xác định xây dựng thì phù hợp nhưng sau vài năm đã thay đổi về đối tượng, về địa bàn, về định mức giá cả tăng lên, không còn phù hợp; những vấn đề phát sinh mới chưa kịp thay đổi theo để xử lý cho nên vướng mắc trong quá trình thực hiện".
Từ thực tiễn đó, đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các cơ quan chủ trì thực hiện tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của địa phương, làm cơ sở để nghiên cứu giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Nhấn mạnh, giai đoạn 2026-2030, CTMTQG cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, đồng chí nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận chính sách. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phối hợp, tăng tính chủ động trên cơ sở sắp xếp bộ máy hợp lý, con người hợp lý để làm tốt công tác tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình trong giai đoạn tới 2026-2030./.