Tín dụng chính sách, lan tỏa niềm tin
Trong năm qua, chương trình hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm tiếp tục là một trong những điểm sáng nổi bật của tín dụng chính sách tại Thái Nguyên. Nhờ sự vào cuộc kịp thời, bám sát địa bàn của các phòng giao dịch, mà hàng nghìnlượt hộ dân đã được vay vốn phát triển kinh tế.
Gia đình anh Tuấn được tiếp cận nguồn vốn mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất". |
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Tổ dân phố Cẩm Na 1, phường Đông Cao, TP Phổ Yên cho biết: "Được tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội, thủ tục vay vốn nhanh gọn, lãi suất phù hợp với hộ kinh doanh, chúng tôi sử dụng ngồn vốn chủ yếu để mở rộng quy mô, mua sắm trang thiết bị để phục vụ bà con chăn nuôi sản xuất".
Không chỉ tạo sinh kế lâu dài, năm qua, tín dụng chính sách còn kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, sớm khôi phục sản xuất, đồng thời khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đồng hành cùng những người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Hợp, xóm Đồng Trung, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ cho biết: "Sau khi tôi tiếp cận được nguồn vốn này thì đã cải tạo lại vườn trồng và chăm sóc cây rất tốt, sau một năm thu nhập khoảng 70 đến 80 triệu đồng, đây cũng là con số rất cao đối với tôi".
Bà con được tiếp cận nguồn để đầu tư trồng cây ăn quả phát triển kinh tế gia đình. |
Ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ thông tin: "Ảnh hưởng của cơn bão cũng đã được rất nhiều các cấp ngành quan tâm khắc phục sản xuất, trong đó có nguồn vốn của ngân hàng Chính sách, nguồn vốn tín dụng đã kịp thời giúp cho nhân dân có nhu cầu được vay vốn khôi phục sản xuất kịp thời, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống".
Với 20 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, năm qua, toàn tỉnh đã có trên 25 nghìn lượt khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với doanh số cho vay đạt trên 1 nghìn 355 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ toàn tỉnh lên trên 5 nghìn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách đã và đang hỗ trợ đắc lực để người dân còn khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh và cải thiện cuộc sống.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đặt ra nhiệm vụ là phải tăng trưởng lại trên 8%, nhưng đến thời điểm này qua bốn lần giao vốn của Trung ương, tỉnh cũng đã đạt được trên 9%. Trong năm 2025 chủ yếu chúng tôi tập trung vào các chương trình như: giải quyết việc, chương trình nước sạch. Chúng tôi sẽ tiếp tụ chỉ đạo các cơ sở rà soát kịp thời có số lượng cụ thể báo cáo với UBND tỉnh giao nguồn vốn địa phương cùng với nguồn vốn của Trung ương để thực hiện trong năm 2025".
Có thể khẳng định tín dụng chính sách không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là người bạn đồng hành, là điểm tựa vững chắc của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những con số ấn tượng của năm 2024 cho thấy hiệu quả thiết thực các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào sự đổi mới và phát triển của tỉnh Thái Nguyên./.