Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành lưới điện
Công nhân công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi từ công tơ cơ sang công tơ điện tử |
Một trong những nhiệm vụ mà các đơn vị thành viên của Công ty Điện lực Thái Nguyên đang tập trung thực hiện là việc chuyển đổi từ công tơ cơ sang công tơ điện tử để tăng tính chính xác, giảm độ sai số dưới 1%. Đặc biệt, việc sử dụng công tơ điện tử sẽ loại bỏ nguy cơ mất an toàn cho công nhân ngành điện khi dữ liệu được đọc bằng sóng radio. Theo lộ trình, trong năm 2020, ngành điện sẽ chuyển đổi 50.000 công tơ trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Ma Đình Chung, Phó Giám đốc Điện lực Đại Từ cho biết: “Ngoài thay đổi công tơ điện tử thì toàn bộ hệ thống đo đếm của đơn vị, chúng tôi đã thực hiện đo xa để quản lý vận hành, kiểm tra về dòng, về tải, công suất sử dụng điện của khách hàng đều qua công tơ điện tử của tất cả các trạm biến áp chuyên dùng.”
12 dịch vụ điện cấp độ 4 của ngành điện Thái Nguyên đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Quá trình số hóa dịch vụ điện năng cũng được tích cực triển khai. Hồ sơ giấy trước đây đang được số hóa dưới dạng các file hình ảnh, lưu trữ trong hệ thống và có giá trị pháp lý tương đương, đảm bảo quyền lợi khách hàng. Từ cuối năm 2019, 12 dịch vụ điện cấp độ 4 của ngành đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Khi có nhu cầu, người dân chỉ cần đăng ký trực tuyến. Bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ tiếp nhận thông tin, cử cán bộ khảo sát tại hiện trường để hoàn thành hồ sơ và tiến hành lắp đặt, sửa chữa.
Bà Nguyễn Lệ Thanh, Giám đốc Cty TNHH Lệ Thanh, TP Thái Nguyên cho biết: “Khi tôi muốn lắp điện cho trường mầm non mới tôi chỉ cần đăng ký cấp điện mới qua cổng dịch vụ và đăng ký tên, tuổi, giấy phép kinh doanh và tất cả mọi thủ tục, thì ngay ngày hôm sau là cán bộ điện lực đến tận nơi để làm đầy đủ.”
Ngành điện đã kết nối với 9 ngân hàng và 8 tổ chức trung gian để hợp tác thu tiền điện. Nhờ đó tính đến hết tháng 8/2020, lượng khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 260.000 người, chiếm trên 70%.
Vận hành thiết bị tại Trung tâm điều khiển xa |
Nhằm nâng cao công tác quản lý vận hành lưới điện, ngành điện đã kết nối trung tâm điều khiển xa với 12 trạm biến áp 110KV không người trực, lắp đặt 179 thiết bị LBS và Recloser trên lưới điện. Mỗi thiết bị nhận tín hiệu từ trung tâm điều khiển để đóng, cắt, vận hành theo yêu cầu công việc hoặc bảo vệ lưới điện khi có sự cố xảy ra. Trên cơ sở đó, phân đoạn sự cố sẽ nhanh và giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn lao động.
Ông Phạm Quang Thanh, Phó Trung tâm điều khiển xa, Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: “Từ khi chúng tôi lắp đặt đưa vào các thiết bị tự động hóa đóng, cắt có kết nối, điều khiển từ xa về trung tâm thì thời gian để thao tác phân vùng, phân đoạn sự cố, khôi phục lại lưới điện đã rút ngắn chỉ còn từ 3 đến 5 phút.”
Với việc áp dụng các phần mềm, ứng dụng quản lý an toàn và thời gian khắc phục sự cố; kiểm tra đường dây và trạm biến áp online; quản lý đầu tư xây dựng, thu thập dữ liệu đo đếm… Công ty Điện lực Thái Nguyên đang dần hiện thực hóa đồng thời 3 mục tiêu là: phục vụ tốt nhu cầu khách hàng; nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn lao động và nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện./.