Ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng
Hiện nay lực lượng Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ thông qua các ứng dụng, phần mềm được cài đặt tích hợp lên máy tính, điện thoại |
Trước đây, những dụng cụ hỗ trợ như: Bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… là những vật “bất ly thân” của cán bộ kiểm lâm địa bàn nhưng hiện nay, mọi thứ đều được tích hợp trong một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng cần thiết thông qua các ứng dụng, phần mềm được cài đặt tích hợp lên máy tính, điện thoại, hỗ trợ nhiều chức năng cho lực lượng Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Tiến Chung, cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện Định Hóa chia sẻ: "Khi các đồng chí kiểm lâm địa bàn phụ trách các xã gửi vị trí lô, khoảnh và diện tích về thì tôi có thể cập nhật một cách cụ thể hơn và tôi có thể đối chiếu với các năm, nếu có gì đó không không đúng hoặc thì thông tin lại cho các đồng chí để đi kiểm tra lại".
Định Hóa là 1 trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất trên địa bàn tỉnh, tiếp giáp với nhiều địa phương, địa hình núi cao, chia cắt… là những khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Hiện nay, 100% trạm kiểm lâm trên địa bàn huyện Định Hóa đã ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.
Ông Phạm Thành Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa: "Tôi phụ trách địa bàn ba xã, cũng trên 5.000ha rừng, trong đó có địa bàn xã Lam Vĩ là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Định Hóa. Bản thân tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo Hạt, lãnh đạo Ban thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn cũng như công tác ứng dụng chuyển đổi số trong công tác theo dõi diễn biến rừng cũng như là trồng rừng trên địa bàn phụ trách. Trong những năm qua địa bàn ổn định không có khai thác, phát phá rừng trái phép cũng như công tác phát triển rừng được đảm bảo đúng quy định của Nhà nước".
Chi cục Kiểm lâm đã ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã |
Song song với việc quản lý quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, Chi cục Kiểm lâm đã ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 90 cơ sở nuôi động vật hoang dã, việc ứng dụng Phần mềm vừa thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số vừa giúp cho công tác quản lý động vật hoang dã tại địa phương được thuận tiện.
Ông Hà Huy Bằng Phó Hạt trưởng BQL rừng ATK, Định Hóa cho biết: "Hiện nay khi thực hiện chuyển đổi số thì người dân, các chủ hộ nuôi nhốt động vật hoang dã có thể ngồi ở nhà làm hồ sơ và gửi hồ sơ trực tuyến, sau đó nhận kết quả tại nhà, giúp thuận tiện cho người dân trong việc không phải đi lại".
Có thể thấy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực lâm nghiệp đã và đang tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đây cũng là yêu cầu tất yếu bảo đảm sự minh bạch về xuất xứ nguồn gốc lâm sản. Thông qua công nghệ số đáp ứng ngày càng tốt đòi hỏi của thực tiễn hội nhập và phát triển trong giai đoạn kinh tế số hiện nay.
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: "Thứ nhất là tiếp tục khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã có, thứ hai là tham mưu đề xuất đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên hệ thống số, như đầu tư mới hệ thống camera tự động, Flycam, các hệ thống cảnh báo tự động cảnh báo rừng, các cơ sở này kết nối với nhau để thành một hệ thống giám sát đạt hiệu quả cao nhất".
Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo vệ rừng đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, không chỉ góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, nhất là các vụ cháy rừng, phá rừng trái pháp luật mà còn góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm trong tình hình mới./.