Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Mái đá ngườm
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đồng hành với Thái Nguyên trong việc thực hiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Khu di tích Quốc gia đặc biệt |
Di chỉ khảo cổ Mái đá ngườm đã được tiến hành khai quật năm lần. Trong lần khai quật mới đây đã tiếp tục phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa sớm hơn, cụ thể qua khai quật đã phát hiện di cốt động vật và nhuyễn thể. Các bằng chứng cho thấy cư dân cổ tại mái đá ngườm đã biết sử dụng lửa, đó có thể là bằng chứng sử dụng lửa sớm nhất được ghi nhận trong các di tích hang động và mái đá ở Việt Nam. Cùng với đó các công cụ xương được mài sử dụng trong các lớp văn hóa sớm cho thấy đây cũng là các công cụ có niên đại sớm nhất được ghi nhận.
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện các di tích thực vật và loại hình di vật đá cho thấy đây cũng là địa điểm duy nhất thuộc loại hình di tích hang động mái đá phát hiện các bằng chứng về quá trình chế tác, sử dụng công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Kết quả khai quật của năm 2024 cũng cho thấy độ dày của tầng văn hóa tại má đá ngườm đạt trên 5 mét.
Kết luận hội nghị, tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, tình cảm trân trọng đối với sự tâm huyết của các nhà khoa học. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các nội dung mới để có thêm nhiều bằng chứng thuyết phục về giá trị của mái đá ngườm; giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận mái đá ngườm là di tích quốc gia đặc biệt; huyện Võ Nhai bổ sung quy hoạch khu khảo cổ để bảo tồn, phát huy giá trị mái đá ngườm, trên cơ sở khẳng định tỉnh Thái Nguyên sẽ hỗ trợ tối đa đối với nhóm nghiên cứu. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đồng hành với Thái Nguyên trong việc thực hiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Khu di tích Quốc gia đặc biệt và lan tỏa giá trị vươn tầm thế giới đối với di tích Mái đá ngườm./.