Thái Nguyên từng bước ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực khám chữa bệnh
Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, khám và điều trị |
Với mục tiêu thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, khám và điều trị.
Bác sỹ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết: "Chúng tôi đang từng bước triển khai các bước về khoa học công nghệ, trong đó có việc nâng cấp phần mềm khám bệnh, chữa bệnh. Hai là thực hiện việc chuyển đổi số tại Khoa khám bệnh, để người dân đến có thể là xếp số thứ tự điện tử, quẹt thẻ không cần thẻ bảo hiểm mà thẻ căn cước công dân".
Xác định đưa công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý, là đơn vị y tế công lập hạng 3 tại tỉnh, Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số, hệ thống phần mềm quản trị.
Bác sỹ CKII Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên thông tin: "Chính vì cái công nghệ, công tác chuyển đổi số đã làm được cải cách hành chính rất là tốt, phục vụ cho người bệnh giảm thiểu thời gian chờ đợi. Trung tâm cũng đánh giá, đặc biệt là khối bệnh viện, cái phần mềm quản lý bệnh nhân cũng nhìn thấy phần ưu điểm, nhược điểm để từ đó Ban Giám đốc chúng tôi điều chỉnh thời gian chờ đợi cho nhân dân".
Là bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện A Thái Nguyên được đánh giá là đơn vị đã có nhiều giải pháp thực hiện ứng dụng số hiệu quả trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin và theo dõi, quản lý, xem kết quả cận lâm sàng, cũng như thanh toán viện phí bằng mã QR nhằm tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.
Kỹ sư Phạm Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ CNTT - Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: "Trong thời gian tới bệnh viện sẽ tiến đến một mức nữa là thẩm định bệnh án điện tử theo Thông tư 54 và Thông tư 46. Tiến tới một bước nữa sẽ là bệnh viện không giấy tờ, tức là tất cả các hồ sơ của bệnh viện thì đều được lưu trữ số hóa hết".
Bác sỹ CKII Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viên A Thái Nguyên thông tin thêm: "Thời gian tới chúng tôi tích cực triển khai hoàn thiện cái bệnh án điện tử, tích hợp chữ ký số, chữ ký bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án".
Hiện nay việc số hóa dữ liệu và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh vẫn còn gặp một số khó khăn |
Để trở thành cơ sở y tế, bệnh viên thông minh, không giấy tờ thì việc số hoá được dữ liệu hồ sơ khám, chữa bệnh của người bệnh đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện; quản lý xét nghiệm để liên thông kết quả xét nghiệm; phần mềm bệnh án điện tử để liên thông tóm tắt hồ sơ bệnh án và quá trình điều trị; thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, bằng ứng dụng VneID khi khám chữa bệnh BHYT.
Hiện nay, có gần 3 triệu hồ sơ khám, chữa bệnh được liên thông dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc số hóa dữ liệu và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh vẫn còn gặp một số khó khăn.
Bà Lưu Thị Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ngành y tế nhận thấy vẫn còn một số tồn tại vướng mắc và khó khăn trong vấn đề thực hiện như là dữ liệu các nền tảng của hệ thống y tế quốc gia chưa đồng bộ kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán và thiếu kết nối chia sẻ và đồng bộ giữa các hệ thống thông tin với nhau".
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, đồng thời hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các ngành và cơ sở y tế trong chuyển đổi số, phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý ở mỗi đơn vị, cơ sở./.