Đảm bảo công tác An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ
Sự cố cháy trạm biến áp Yên Bình 2 |
Cháy trạm biến áp Yên Bình 2 vào đầu tháng 8/2017 là một trong những sự cố lớn nhất của công ty Điện lực Thái Nguyên những năm gần đây. Sự cố đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, làm gián đoạn sản xuất của khách hàng.
Từ những sự cố đã xảy ra, để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, ngành điện Thái Nguyên đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, cảnh báo cháy hiện đại ở 12/12 trạm biến áp; bồi dưỡng, huấn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động. Nhờ đó, sau sự cố tại trạm biến áp Yên Bình 2, đến nay chưa có thêm bất cứ sự cố cháy nổ nào xảy ra.
Ông Đỗ Bá An, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế, công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: “Về phía công ty có phòng An toàn phối hợp với Đội quản lý cao thế thực hiện kiểm tra định kỳ, và phối hợp với công an phòng cháy chữa cháy kiểm tra toàn diện về công tác phòng cháy tại các trạm biến áp 110KV để đảm bảo vận hành an toàn.”
Công nhân Công ty Điện lực Thái Nguyên sửa chữa công tơ, đường dây điện |
Ngoài công tác phòng cháy chữa cháy, công tác đảm bảo an toàn nói chung cũng được đơn vị tích cực triển khai. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày có 150 - 250 đầu công việc do 400 - 500 công nhân thực hiện trên toàn tỉnh. Để quản lý hiệu quả, nhiều phần mềm quản lý đã được đưa vào vận hành và sử dụng.
Ông Phí Thanh Tùng, Phó trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, công ty Điện lực Thái Nguyên nói riêng và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói chung đang thực hiện triển khai hệ thống quản lý phần mềm ECP - là phần mềm giám sát an toàn bằng hình ảnh, đã giúp cho các cấp quản lý của ngành điện có thể dễ dàng kiểm soát 100% các đơn vị công tác, thực hiện làm việc trên lưới điện do công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý.”
Công nhân Điện lực Thái Nguyên hướng dẫn người dân xem thông tin ngành điện trên mạng zalo |
Theo đó, mỗi công nhân khi thao tác tại hiện trường phải chụp ảnh báo cáo về hiện trạng, trang bị bảo hộ và phương án sửa chữa và tải lên hệ thống. Khi phát hiện tình trạng mất an toàn, cấp trên sẽ yêu cầu dừng thao tác đối với công nhân tại hiện trường. Do đó, việc mất toàn lao động được kiểm soát ngay cả khi ở mức nguy cơ. Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ mang lại an toàn cho lực lượng công nhân ngành điện mà còn có thể cảnh báo đến khách hàng những tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện.
Ông Dương Văn Oánh, Trưởng xóm Cương Lăng, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Trước mùa mưa bão, ngành điện đã thông tin tuyên truyền trên hệ thống Zalo cho bà con nắm được và cũng đưa công văn về cho xóm để thông báo cho bà con nhân dân, như việc chặt hạ cây cao, sát hành lang điện”
Trước những diễn biến bất thường có thể xảy ra, việc đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ càng cần phải được chú trọng để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của./.