Thái Nguyên: Hiệu quả trong công tác tuyên truyền về tình trạng tảo hôn ở cộng đồng
Nạn tảo hôn khiến nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.

15 tuổi, chị Sùng Thị Linh ở xóm Mỏ Nước, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Lấy chồng từ lúc còn nhỏ, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại sinh con dày, nên đến nay gia đình chị nghèo vẫn hoàn nghèo. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền đã khiến cho chị Linh già hơn tuổi của chị.

Dù vậy, chia sẻ của chị vẫn rất trẻ con: “Bây giờ chồng đi làm, mình ở nhà làm việc nhà, lúc nào con sắp ngủ thì cõng về ngủ, cho con ăn thôi”.

Văn Lăng là một trong những xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ với 5/14 xóm là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, do nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế nên tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra. Nhằm nâng cao hiểu biết về luật hôn nhân và gia đình, những năm qua xã Văn Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân nên hiện nay tình trạng tảo hôn trên địa bàn đã giảm đáng kể, đặc biệt hôn nhân cận huyết thống đã không còn.

Thái Nguyên: Hiệu quả trong công tác tuyên truyền về tình trạng tảo hôn ở cộng đồng
Những cặp vợ chồng kết hôn sớm thường tập trung ở những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.

Anh Hoàng Văn Sỉnh, xóm Khe Cạn, Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết về cách triển khai: “Chúng tôi vận động, tuyên truyền vận động ngay từ những đồng chí đảng viên trong chi bộ là thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bà con nhân dân khi đi làm cũng như trong cuộc sống hàng ngày để giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật”.

Ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, nơi có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bà con ở đây vẫn còn quan niệm rằng con gái dân tộc Mông tuổi đẹp nhất để lấy chồng là từ 15 đến 17 tuổi và con trai không được vượt quá tuổi 22. Chính vì vậy, nhà có con trai, con gái thì lo lấy vợ, lấy chồng sớm cho con để có người lao động trong gia đình. Với suy nghĩ và quan niệm lạc hậu như vậy, nên trước đây tình trạng tảo hôn rất phổ biến. Mỗi năm, xóm có từ 7 đến 8 vụ tảo hôn. Dân số tăng nhanh, đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu đất sản xuất, khó giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xóm đặc biệt khó khăn này. Hiện nay do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, mà đặc biệt phải nói đến sự nhận thức và ý thức của người dân đã được nâng cao nên mỗi năm xóm chỉ còn xảy ra 2 đến 3 vụ tảo hôn.

Ông Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Chì, Cúc Đường, huyện Võ Nhai cho biết: “Đã được tuyên truyền rất nhiều, nhưng một số bà con vẫn nặng về phong tục nên vận động hơi khó khăn. Về quy định 18 tuổi được kết hôn thì trong thời gian tới chúng tôi từ cán bộ xóm đến xã sẽ tiếp tục vào cuộc vận động bà con”.

Điều đáng buồn là trong những năm qua, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số, mà dân tộc đa số lại chiếm tỷ lệ cao nhất. Điển hình như chị Nguyễn Thị Uyên, dân tộc Kinh, ở xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, năm chị lấy chồng chưa đủ 18 tuổi. Không lâu sau, chị sinh con, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn do cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, phụ thuộc vào bố mẹ 2 bên. Chồng chị phải đi làm thuê khắp nơi. Sức khỏe của chị cũng giảm sút sau khi sinh con ở độ tuổi quá trẻ. Hiện nay, dù mới 22 tuổi nhưng chị đã có tới 2 người con.

Chị Nguyễn Thị Uyên ngậm ngùi chia sẻ: “Mình khuyên các bạn đừng lập gia đình sớm như mình. Lập gia đình sớm cuộc sống bây giờ rất khó khăn. Giờ em chỉ ước em đủ tiền nuôi các con ăn, học”.

Thái Nguyên là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Trước khi triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” của Thủ tướng Chính phủ, Thái Nguyên là một trong những tỉnh miền núi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khá cao, tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện đề án mang lại hiệu quả, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, bình đẳng giới; phổ biến giáo dục pháp luật; Hội nghị cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Thông qua đó, nhận thức của bà con đã từng bước được nâng cao. Hiện nay, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đẩy lùi, tạo sự chuyển biến rõ nét. Kết quả cho thấy: nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 117 vụ tảo hôn thì đến hết năm 2019 chỉ còn 34 vụ. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết đã không còn. Kết quả này đã minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân trong 5 năm qua...

Thái Nguyên: Hiệu quả trong công tác tuyên truyền về tình trạng tảo hôn ở cộng đồng
Tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

Em Hầu Thị Kim Cúc, Xóm Lam Sơn, Cúc Đường, huyện Võ Nhai vui vẻ cho biết: “Bố mẹ động viên mình không nên lấy chồng sớm. Như bố mẹ trước kia, lập gia đình sớm cuộc sống rất khó khăn, chật vật. Vì thế bây giờ mình tập trung học tập, ổn định kinh tế đã”.

Ông Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lương cho biết: “Năm 2015, ở xã Yên Trạch thì có một buổi xử án lưu động 2 vụ tảo hôn. Ở Yên Ninh, Yên Trạch vốn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế về nhận thức về vấn đề này. Sau khi 2 người chồng bị xử án vì tảo hôn đã khiến việc giáo dục, tuyên truyền có tính răn đe, hiệu quả hơn. Bà con nơi đây cũng có chuyển biến về nhận thức”.

Ông Hoàng Văn Chính, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết về định hướng trong thời gian tới: “Tập trung vào vai trò của các ban, ngành đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc cùng nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Tảo hôn sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản, tâm lý, tri thức và khả năng lao động của các em. Hiện nay, dù đã có những hình thức xử phạt cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song tình trạng tảo hôn vẫn chưa được chấm dứt, đặc biệt là ở các địa phương nghèo, nơi có trình độ dân trí không cao. Thực trạng đó đang đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cần phải có những biện pháp mạnh tay và chính sách vận động sâu rộng hơn nữa.

Ông Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lương phản ánh: “Tảo hôn do các bậc cha mẹ ép buộc không còn nhiều. Bây giờ phần lớn là do các thanh thiếu niên buông thả trong lối sống, thường là có thai trước khi kết hôn nên chúng tôi tập trung tuyên truyền cho giới trẻ hiểu về tác hại của việc mang thai sớm cũng như cung cấp các biện pháp tránh thai để họ biết cách sử dụng và chấp nhận sử dụng để tránh có thai ngoài ý muốn và tảo hôn”.

Ông Hoàng Văn Chính, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Để chấm dứt tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh thì chúng tôi đã tích cực giao cho các cơ quan chuyên môn Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cũng như phòng Dân tộc ở các địa phương, phối hợp với chính quyền địa phương để tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi. Trong đó, chú trọng đến tuyên truyền trong lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình, chú trọng đẩy lùi tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống”.

Mặc dù, hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang từng bước được kiềm chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, để tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trong cộng đồng thì rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội hãy cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để mọi trẻ em được vui bước đến trường và có một tương lai tốt đẹp hơn./.