Từ Phà Hiên đến bến Bình Ca - Những cung đường trên mặt nước
Bến Phà Hiên bây giờ nằm trên địa bàn xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.

Vào năm 1953, đường 13A được coi là tuyến đường độc đạo duy nhất từ căn cứ địa Tuyên Quang, nơi tập trung hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nối liền với đường 41 vận chuyển lên Tuần Giáo và Điện Biên Phủ. Bến Hiên lúc đó trở thành điểm trung chuyển và chịu sự rình rập, đánh phá của máy bay Pháp.

Dù đã ở tuổi 86 nhưng ông Trần Văn Sửu, xóm Cây Quân, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vẫn còn nhớ rõ những câu chuyện mà cha mình kể khi làm nhiệm vụ là trưởng bến: "Khi đó bố tôi được cấp trên chỉ định làm Bến trưởng của bến Phà Hiên này, đò thì nhỏ cộng với nước sông thì chảy siết do đó mà đòi hỏi lượng công nhân rất cao... Phương tiện thì thô sơ, thuyền nhỏ làm bằng nứa, bằng tre chỉ chở được mấy người một lần thôi. Cứ chiều đến từ 5 giờ trở đi là các đoàn người ta vượt sông đã ra liên hệ rồi... cuộc hành quân nào cũng vẫn là hoàn thành tốt".

Cùng với Bến Hiên, Tuyên Quang còn có Bến Bình Ca - một bến phà chiến lược chắn giữ cửa ngõ phía Tây của chiến khu Việt Bắc, nối vùng ATK với Trung du. Bến Bình Ca còn là nơi tập kết của các sư đoàn lớn như 308, 312 từ Phú Thọ vượt sông Lô vào đường 13A để lên Điện Biên. Là nơi diễn ra chiến công Sông Lô mở đầu cho chiến thắng của quân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947, Bình Ca trong thời điểm chuẩn bị vào chiến dịch Điện Biên Phủ là một điểm lửa trên tuyến lửa 13A.

Ông Phạm Hồng Quân, Cựu chiến binh Sư đoàn 312, ở phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Đơn vị chúng tôi được cấp trên điều điều lên để bảo vệ cái bến phà Bình Ca, nó ý nghĩa bổ sung quân số rồi là đạn dược, lương thực thực phẩm... Một số thì đi bằng xe đạp, nhưng mà đại đa số đơn vị là chuyển quân ở dưới này lên, lúc ý đang tương đối là căng thẳng rồi, tức là phải chi viện, đưa bộ đội và đưa súng đạn lên. Nói chung là cả ngày đêm, các anh chị em là dân công đi hỏa tuyến cũng cũng đi theo cái đường đó, rất tấp lập".

Từ Phà Hiên đến bến Bình Ca   Những cung đường trên mặt nước
Ông Trần Văn Sửu, xóm Cây Quân, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vẫn còn nhớ rõ những câu chuyện mà cha mình kể khi làm nhiệm vụ là Trưởng bến Phà Hiên
Từ Phà Hiên đến bến Bình Ca   Những cung đường trên mặt nước

Trên đường từ Thái Nguyên lên Tây Bắc chỉ đạo chiến dịch Điện Biên, khi đến bến Bình Ca, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mô tả lại trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” một khung cảnh: “Xe chạy giữa những đoàn người đi cùng chiều, tuôn chảy như nước. Đồng bào vui vẻ hoan hô cán bộ đi xe ô tô ra mặt trận, nhìn thấy qua đây dấu hiệu trưởng thành của quân đội, của kháng chiến. Đuốc dân công, đèn xe thồ như sao sa trên suốt chặng đường. Bến Bình Ca đầy ứ xe vận tải, hừng hực không khí chiến dịch”.

Chính lòng quyết tâm và sức mạnh đoàn kết của quân và dân ta đã đưa những cung đường trên mặt nước như Bến Hiên, Bến Bình Ca vượt qua mưa bom, bão đạn, đảm bảo giao thông thông suốt cho tuyến huyết mạch 13A. Tuyến đường mà sau này đã được Bác Hồ gọi là con đường thắng lợi. Hơn 7 thập kỷ đã đi qua, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bến Phà Hiên và Bến Bình Ca vẫn dạt dào nhắc nhớ chuyện năm xưa.

Ông Hoàng Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Xã Mỹ Bằng là xã Anh hùng lực lượng vũ trang và xã An toàn khu. Toàn bộ tư liệu liên quan đến các hoạt động này chúng tôi đã truyền tải đầy đủ đến các tổ chức và các đảng viên của Đảng bộ để học tập nghiên cứu và tuyên truyền, đặc biệt là các cái trường học của xã dành thời gian tham quan thực tế để tìm hiểu về các khu th đích lịch sử của xã, đặc biệt là trong này cũng có cả bến Phà Hiên để tuyên truyền cho thế hệ trẻ nắm bắt được truyền thống của quê hương mình".

Những đổi thay của các vùng đất này đã giúp những điểm huyết mạch giao thông thời kháng chiến trở thành điểm hẹn du lịch truyền thống cách mạng của tỉnh Tuyên Quang./.