Văn Hán xây dựng thương hiệu cho cây chè
Văn Hán là một trong những xã có diện tích chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ với trên 900ha. |
Theo sự định hướng của cơ quan nông nghiệp và xã Văn Hán, những hộ trồng chè của xóm Phả Lý đang dần chuyển đổi những giống chè cũ có năng suất thấp sang trồng giống NDT1 theo quy trình VietGap, hướng dần tới tiêu chuẩn hữu cơ. Bởi, nếu cứ trồng chè thâm canh rồi bán cho thương lái đến thu gom chè như trước thì trừ chi phí, người trồng chè chỉ đủ tiền công nhật như lao động bình thường.
Anh Nguyễn Văn Lâm, xóm Phả Lý, xã Văn Hán chia sẻ: "Bây giờ, giá cả so với thị trường chè vẫn trôi nổi, bấp bênh, so với công làm cũng không đạt".
Toàn xã Văn Hán hiện có trên 2.600 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè. Cây chè đã được trồng ở đây khoảng 60 năm, mặc dù, thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với loại cây trồng này nhưng sản phẩm chè Văn Hán vẫn chưa có thương hiệu, giá bán ra thị trường khá thấp so với những vùng chè khác trong tỉnh, 1kg chè búp khô thường dao động trong khoảng 80.000 đồng - 100.000 đồng. Chính vì vậy, hiện nay, đã có nhiều HTX chế biến chè ở Văn Hán dần được hình thành, qua đó, vừa sản xuất, bảo quản được tại chỗ, vừa tạo ra những sản phẩm chè theo tiêu chuẩn cao, xây dựng thương hiệu chè cho chính nơi này. Chị Nguyễn Thị Vân, HTX Chè Thái Minh cho hay: "Các xã viên tập trung vào khu vực chăm sóc chè, HTX sẽ thu mua, giá thành bình ổn hơn".
Định hướng sản xuất chè hữu cơ được xã Văn Hán chú trọng. |
Hiện tại, Văn Hán đang định hướng cho bà con nhân dân nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè Văn Hán như: chú trọng đến việc cải tạo, thâm canh, mở rộng diện tích trồng chè; thay thế các giống chè cũ, chè địa phương bằng những giống chè lai có năng suất, chất lượng cao; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ dân có nhu cầu gắn bó, phát triển cây chè, tham gia các mô hình trồng, chế biến chè theo quy trình VietGap
Ông Lường Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung sâu vào chế biến, tiêu thụ, phát triển HTX của địa phương. Hiện nay, xã có 6 HTX chế biến chè. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến chính sách hỗ trợ về công cụ sản xuất để bà con chế biến sâu, hỗ trợ chỉ dẫn địa lý để quảng bá sản phẩm".
Việc thành lập HTX, xây dựng thương hiệu chè là bước đệm trong xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm chè của xã Văn Hán mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Về lâu dài, định hướng sản xuất chè hữu cơ sẽ được xã chú trọng. Tiến tới việc xây dựng vùng nguyên liệu và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để thương hiệu của chè Văn Hán tiếp tục bay xa…/.