Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Kết thúc năm 2016, huyện Gia Lâm có 17/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM trong năm nay, ông Thuần cho biết, huyện đang tập trung vào các giải pháp cốt yếu để đưa 3 xã còn lại sớm về đích, gồm Ninh Hiệp, Trung Mầu và Lệ Chi.

neu cao tinh than 5 ro gia lam quyet nam nay ve dich

Nghề trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập ổn định cho nông dân một số xã của huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: H.Đ

“Hiện nay, các xã này còn 3 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí môi trường. Vì vậy, Gia Lâm đã xây dựng nghị quyết chuyên đề phân công, phân nhiệm các đồng chí lãnh đạo trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND và các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM trực tiếp chỉ đạo, lên kế hoạch lộ trình bước đi từng tuần, từng tháng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã lên quy hoạch bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện Chương trình xây dựng NTM không phải chỉ cho 3 xã trên mà triển khai tới 20 xã trên toàn huyện. Trong đó, huyện xác định một số vấn đề chính như làm rõ khó khăn chỗ nào, nguyên nhân ở đâu, từ đó tập trung giải quyết” – ông Thuần cho hay.

“Riêng cá nhân tôi được giao phụ trách xã Lệ Chi. Tại đây còn 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn. Hàng tuần tôi trực tiếp về tận xã, mời ban chỉ đạo của xã, cùng phòng ban của huyện phụ trách, rà soát từng tiêu chí một, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có biện pháp kịp thời. Nhờ thế mà đến nay việc xây dựng các tiêu chí đang có sự chuyển biến tích cực” – ông Thuần chia sẻ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Nói thêm về kết quả phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, ông Thuần cho hay: “Đến nay, huyện đã quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, qua đó giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích được nâng lên. Trước đây khi chưa thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất tập trung, nông dân chỉ thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giá trị thu nhập đã tăng lên 300 - 500 triệu đồng/ha”.

Cũng theo ông Thuần, thời gian qua huyện đã quy hoạch lại vùng sản xuất, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, đối với đất nông nghiệp huyện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất theo vùng, với 8 vùng sản xuất gồm: Vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, trồng lúa, vùng chăn nuôi, vùng trồng cây cảnh... Nhờ đó, việc kêu gọi người dân tham gia tổ, nhóm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt đã dễ dàng hơn. Năm 2017, huyện có 4 mô hình thực hiện tích tụ ruộng đất, đó là vùng rau, cây ăn quả, cây giống, chăn nuôi tập trung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thuần cũng thừa nhận trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, Gia Lâm gặp không ít khó khăn. Ví dụ như việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn cũng vấp phải lực cản không nhỏ, đặc biệt là trong việc tạo sự đồng thuận từ các hộ nông dân. “Huyện đã lập ra các tổ, các nhóm ở các thôn làm công tác tư tưởng. Bên cạnh đó, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp khi người dân tham gia tích tụ ruộng đất nhằm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với 10 nội dung hỗ trợ. Trong đó, có sử dụng nguồn vốn của huyện cùng nguồn vốn của thành phố” – ông Thuần nói.

Ông Lê Anh Quân – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho hay: “Sau năm hơn 5 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo huyện Gia Lâm đã có nhiều đổi thay tích cực. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1,4%”.