* Trong tuần qua, dư luận thế giới tiếp tục qua tâm căng thẳng Iran - Israel; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi quốc tế tiếp tục nỗ lực về lệnh ngừng bắn ở Gaza; Thủ lĩnh Hamas muốn Liên hợp quốc và một số nước bảo đảm an ninh cho Gaza; Nga và Ukraine đang thích nghi cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến; Viện trợ vũ khí của Mỹ lại 'chảy' tới Ukraine chỉ trong vài ngày; Liên hợp quốc cảnh báo ‘điểm nóng’ mới ở Sudan;…

- Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, cho biết phong trào này mong muốn Liên hợp quốc (LHQ) Ai Cập, Qatar, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai là cả Mỹ sẽ là những bên đóng vai trò đảm bảo an ninh cho Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ điều này.

Chú thích ảnh
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh trong cuộc họp báo tại Doha, Qatar ngày 20/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 21/4 đưa tin, thủ lĩnh trên đã đưa ra đề xuất như vậy khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình A Haber của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, ông Haniyeh nói rằng Hamas luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu nói trên, đồng thời nói rằng Israel đã không ngừng phản đối điều này. Đề cập về sự đình trệ trong vòng đàm phán diễn ra từ ngày 7/4 vừa qua, ông Haniyeh giải thích rằng Hamas không chấp nhận yêu cầu của Israel trả tự do cho tất cả con tin còn lại bị bắt giữ ở Gaza song sau đó lại tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự ở dải đất ven biển này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã có cuộc gặp với thủ lĩnh của Hamas ở Istanbul tại vào ngày 20/4, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Trung Đông đang leo thang. Hai bên đã thảo luận về tình hình ở Gaza và triển vọng giải quyết xung đột.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên trì những nỗ lực ngoại giao để kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine.

- Vũ khí từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc ở Đức sẽ được vận chuyển nhanh chóng bằng đường sắt đến biên giới Ukraine.

Chú thích ảnh
Các quân nhân Ukraina huấn luyện ở khu vực Donetsk vào đầu tháng 4/2024. Ảnh: New York Times

Các quan chức Mỹ cho biết các chuyến hàng vũ khí của nước này có thể sớm chảy trở lại Ukraine ngay sau khi gói viện trợ bị đình trệ từ lâu được Hạ viện thông qua ngày 20/4 và Tổng thống Biden nhanh chóng ký thành luật sau thủ tục phê chuẩn ở Thượng viện. Vũ khí từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc ở Đức sẽ được vận chuyển nhanh chóng bằng đường sắt đến biên giới Ukraine.

Dự luật vừa được khơi thông sẽ cung cấp cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine khoảng 60 tỷ USD. Trong số này, gần 14 tỉ USD được cho cho đào tạo, trang bị và tài trợ cho nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỉ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, bao gồm hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng. Khoảng 23 tỉ USD trong gói viện trợ được dùng để bổ sung vũ khí và trang thiết bị cho chính Mỹ.

Sau khi Hạ viện phê duyệt gói viện trợ, Tổng thống Biden đã kêu gọi Thượng viện nhanh chóng thực hiện biện pháp này để giúp đáp ứng “nhu cầu khẩn cấp trên chiến trường” của lực lượng Ukraine. Dự kiến dự luật sẽ được Thượng viện thông qua sớm nhất là vào 23/4.

* Trong tuần, từ ngày 15/4 đến 21/4 diễn ra một số sự kiện đáng chú ý: Nhiều hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương; thêm các giải pháp bình ổn thị trường vàng; phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ; khởi tố Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng; điều tra đối tượng xâm hại tình dục làm bé gái 12 tuổi có thai…

- Ngày 18/4, tức mùng 10/3 âm lịch, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Chú thích ảnh
Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Trong ngày chính lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ và các địa phương đã thành kính dâng hương, hoa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

Trong dịp này, hàng triệu lượt khách đã về với Đền Hùng. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như: Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng; Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày; trình diễn múa Lân - Sư - Rồng và các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; Lễ rước kiệu các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về Đền Hùng…

Cũng trong ngày 18/4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thành kính tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày lễ trọng đại của dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đơn cử như: Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã long trọng dâng hương, dâng hoa lên Quốc Tổ Hùng Vương tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tại Đền thờ Vua Hùng (quận Bình Thủy); Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp (ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang)...

- Trong tuần qua, giá vàng liên tục biến động theo chiều hướng “hạ nhiệt”. Tính đến chiều ngày 19/4, giá vàng miếng SJC trong nước hiện được các công ty vàng niêm yết quanh mức 81,8 - 83,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). So với mức kỷ lục đạt được vào đầu tuần 85,52 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm khoảng 1,7 triệu đồng/lượng (bán ra).

Chú thích ảnh
Đầu tuần tới ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng. Ảnh: TTXVN

Giá vàng hạ nhiệt được nhận định do các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp ngay sau đó của Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng; do sự chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thông tin được nhiều người quan tâm là hoạt động đấu thầu vàng trong nước, góp phần bình ổn giá và thu hẹp khoảng cách giá so với thế giới. Ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng. Như vậy, sau 11 năm, NHNN sẽ đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN luôn theo dõi sát sao, chặt chẽ các diễn biến trên thị trường vàng trong nước và quốc tế để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp. Hiện giá vàng trên thế giới đang leo thang do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý của người dân, những diễn biến phức tạp về địa chính trị, chiến tranh căng thẳng, giá dầu tăng cao. Do đó, giá vàng tại Việt Nam cũng chịu tác động lớn từ giá vàng quốc tế.

- Trong tuần qua , Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Thuận An); Trần Anh Quang (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An); Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An). Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ"; Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản.

* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 cả nước về Chỉ số SIPAS; Tập trung nguồn lực, đảm bảo tiến độ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Chương trình xúc tiến đầu tư tại Anh, Đức, Hà Lan của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên;…

- Theo kết quả mới được công bố, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2 cả nước về Chỉ số SIPAS, đây cũng là năm tỉnh Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu đề ra theo Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 - 2025 (mức độ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt từ 90% trở lên).

Chỉ số SIPAS và PAR INDEX đạt thứ hạng cao
Bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2023 các tỉnh, thành phố.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022; xếp thứ 2 khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và Chỉ số Cải cách hành chính vừa công bố đánh dấu tỉnh Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu: mức độ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt từ 90% trở lên theo Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những kết quả mang tính chất nền tảng để tỉnh tiếp tục các giải pháp xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại tại Hà Lan
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Thái Nguyên chào đón và tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hà Lan

- Trong chương trình xúc tiến đầu tư tại Anh, Đức, Hà Lan, tuần qua, đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã có chuỗi các hoạt động quan trọng. Đặc biệt là Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan.

Đây là cơ hội quý báu để cùng trao đổi về cơ hội đầu tư và kết nối hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Hà Lan nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên cũng đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, chào xã giao Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, làm việc với Quỹ biến đổi khí hậu Climate Fund Managers Vương quốc Hà Lan cùng một số hoạt động quan trọng khác./.