Bước vào năm 2020, khi mà dịch COVID-19 đang làm đầu ra sản phẩm nông nghiệp chững lại, thì nguy cơ về tái phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi lại hiện hữu. Với giá trị sản xuất nông nghiệp là trên 39% trong tổng cơ cấu nội ngành thì việc không để cho dịch bệnh tái bùng phát là một thành công, đem lại kết quả quan trọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Dịch bệnh được kiềm chế và ngăn chặn là do sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của ngành nông nghiệp tới tận cơ sở với sư vào cuộc của các địa phương.

Nông nghiệp Thái Nguyên nỗ lực vượt khó
Dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong năm 2020 đã tập trung sự quan tâm của ngành nông nghiệp kiên quyết dập dịch.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết, đơn vị đã chủ động trong các hoạt động công tác: “Trước áp lực mầm bệnh của các huyện bạn, cũng như của các tỉnh lân cận, ngay từ đầu năm thì chúng tôi đã phải chủ động tất cả các biện pháp để cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển ổn định, đặc biệt là công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi”.

Nông nghiệp Thái Nguyên nỗ lực vượt khó
Sản lượng lúa của tỉnh đạt mức tăng trưởng đáng kể trong năm.

Năm 2020, khi mà diện gieo trồng của tỉnh giảm trên 800ha thì sản lượng lương thực của tỉnh lại tăng lên đáng kể với sản lượng lúa là trên 382.000 tấn, đạt gần 105% kế hoạch năm. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm cũng mang đến những chuyển biến đáng mừng khi mang đến hiệu quả cao hơn gấp từ 1,5 đến 3 lần giá trị thu được trên 1ha đất trồng trọt.

Ông Nguyễn Tá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Cái thứ hai nữa là lựa chọn những giống có thế mạnh của vùng, của từng địa phương để áp dụng. Thứ ba là lựa chọn cơ cấu các giống mới thích ứng rộng và có chất lượng cao”.

Phân tích của các chuyên gia chỉ ra thực tế là dư địa để phát triển nông nghiệp đối với tỉnh Thái Nguyên hiện nay không còn quá lớn. Cho nên việc phát triển nông nghiệp theo bề rộng, tức là tăng diện tích và sản lượng sẽ không còn phù hợp. Chính vì vậy, tỉnh Thái Nguyên đã định hướng và chuyển đổi dần kinh tế nông nghiệp sang chiều sâu, tức là tập trung vào chất lượng, chế biến, thương hiệu và chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Làm được điều đó sẽ góp phần tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông nghiệp, mà lại còn phù hợp với điều kiện kinh tế, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất, canh tác và đảm bảo phát triển nông nghiệp theo hướng Xanh và bền vững theo xu thế hiện nay.

Cùng với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật để hướng tới việc sản xuất hiện đại, các hoạt động để nâng cao chất lượng nông sản và quảng bá thương hiệu nông nghiệp, Thái Nguyên đang dần thúc đẩy, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra với giá trị toàn ngành năm 2020 là hơn 14.000 tỉ đồng.

Nông nghiệp Thái Nguyên nỗ lực vượt khó
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng: “Thái Nguyên cùng với nhiều địa phương đang triển khai rất thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Có nhiều sản phẩm được công nhận 3 sao, và đặc biệt là có 16 chủ thể sản phẩm đã được công nhận 4 sao”.

Nói về nhiệm vụ và những giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: “Tập trung sản xuất nông nghiệp, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh để tạo điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất đối với những cây trồng có thế mạnh, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, tăng cường ứng dụng thông tin trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm; thông qua đó để kích thích, thúc đẩy sản xuất trên địa bàn tỉnh”.

Cùng với việc nâng cao giá trị ngành nông nghiệp việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể; tập trung thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nhằm tạo bước đột phá mới cho nông nghiệp Thái Nguyên./.