Liên kết sản xuất, tiêu thụ chè an toàn
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX chè Nhất Thiên Hương. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, Chị Trịnh Thị Hồng Duyên, Giám đốc HTX cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng chè, sớm thấu hiểu những nhọc nhằn của người làm chè nên tôi xót khi chè của bà con làm ra chưa được bao tiêu ổn định, giá cả bấp bênh. Do vậy, đầu năm 2018, tôi cùng 7 hộ dân trong xóm đã liên kết để thành lập HTX Chè Nhất Thiên Hương, thực hiện tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với 20 hộ dân trong vùng để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu.
Lựa chọn lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất, chế biến các sản phẩm chè, hiện, vùng nguyên liệu của HTX có 8ha chè kinh doanh, 100% diện tích được trồng chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi lứa, HTX sản xuất được 2-3 tấn chè búp khô các loại (8 lứa/năm), cho doanh thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại, HTX đang tạo việc làm cho khoảng 8 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè đang trổ búp non, chị Trịnh Thị Thương, một hộ dân liên kết với HTX giới thiệu: Gia đình tôi vốn có nghề trồng và chế biến chè lâu năm. Trước khi liên kết với HTX, sản phẩm của gia đình chủ yếu tiêu thụ ở các chợ quanh vùng hoặc thông qua thương lái, giá bán bấp bênh. Từ khi liên kết với HTX, chúng tôi được tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi chuyên tâm làm chè đặc sản cung cấp cho HTX bởi có giá trị cao hơn.
Để đảm bảo chất lượng, HTX thường xuyên giám sát quy trình chăm sóc, thu hái của người dân. Các hộ không tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của HTX sẽ bị từ chối bao tiêu sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Điền, thành viên của HTX cho biết: Gia đình tôi có 5.000m2 trồng chè cành, trung bình mỗi lứa thu được khoảng 2 tạ chè búp khô. Trong đó, phần lớn sản lượng đang được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường từ 20-30 nghìn đồng/kg búp khô. Các khâu như đóng gói, hoàn thiện sản phẩm do HTX đảm nhiệm nên chúng tôi yên tâm để tập trung sản xuất.
Sản phẩm làm ra đồng đều về chất lượng, nhưng để có được thị trường tiêu thụ thuận lợi như hiện nay đối với HTX chè Nhất Thiên Hương cũng là cả một quá trình nỗ lực. Chị Trịnh Thị Hồng Duyên kể lại: Do là thương hiệu mới nên trong vài tháng đầu thành lập, lượng tiêu thụ chè của HTX rất chậm. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy nguyên nhân chính là người tiêu dùng chưa biết đến HTX cũng như chất lượng sản phẩm, HTX đã tổ chức họp bàn nhiều lần và thống nhất xây dựng, triển khai kế hoạch quảng bá sản phẩm. Ngoài việc duy trì cung cấp cho mối quen, các thành viên của HTX đã dành nhiều thời gian, công sức để mở rộng thị trường. HTX cũng tích cực tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm. Qua đó đã có nhiều khách hàng biết đến chúng tôi và tin tưởng đặt mua sản phẩm với số lượng lớn. Không chỉ khách hàng trong nước, sản phẩm của HTX cũng được một số khách ở Lào, Campuchia ưa chuộng. Năm vừa qua, HTX đã xuất bán thử nghiệm 0,5 tấn chè búp khô sang Campuchia và được đánh giá cao, hứa hẹn thị trường tiềm năng thời gian tới.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường, các sản phẩm của HTX được chia thành nhiều loại. Giá trung bình đạt từ 250-300 nghìn đồng/kg, cao cấp nhất là chè Đinh có giá dao động từ 2-3 triệu đồng/kg. Chất liệu bao bì cũng được HTX quan tâm khi ngoài túi nilon, HTX còn thiết kế bao bì trên các hộp giấy, bìa cứng, đối với loại cao cấp, sản phẩm chè có kèm theo bình gốm Bát Tràng để bảo quản… Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song những kết quả bước đầu của HTX đã chứng minh hướng đi đúng đắn, cách thức tổ chức sản xuất phù hợp./.