Hiệp Đức chú trọng liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm
HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị. |
Dù các dự án triển khai trên địa bàn còn gặp những khó khăn nhất định nhưng với sự nỗ lực của các cấp ngành thì Hiệp Đức vẫn thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Với nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phân bổ cho mỗi xã là 120 triệu đồng, UBND huyện Hiệp Đức đã định hướng các xã xây dựng thuyết minh dự án và hỗ trợ các nội dung phù hợp với định hướng phát triển của huyện. Dựa vào đặc điểm về điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương để thực hiện các dự án khác nhau đảm bảo tính khả thi cao như trồng rừng gỗ lớn cấp chứng chỉ FSC, sản xuất và chế biến nấm bào ngư, nuôi heo bản địa...
Theo UBND huyện Hiệp Đức thì với số tiền được phân bổ cho mỗi dự án là 120 triệu đồng nhưng để triển khai quy trình giải ngân vốn lại rất phức tạp như: UBND xã tổ chức lấy nhu cầu hỗ trợ và tiến hành tổng hợp danh mục gửi về Phòng NN-PTNT huyện, trên cơ sở đó, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tổng hợp, kiểm tra và tham mưu UBND huyện ban hành quyết định trung hạn phát triển sản xuất.
Sau đó, UBND huyện ra quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, Phòng NN-PTNT huyện ra thông báo tuyển chọn đơn vị đăng ký chủ trì dự án và chủ trì cùng với xã xây dựng thuyết minh dự án, phân tích chuỗi giá trị, Hội đồng đánh giá tổ chức cuộc họp chọn chủ trì dự án và phân tích chuỗi giá trị, đánh giá thuyết minh dự án.
Với một quy trình tương đối phức tạp như vậy nhưng huyện Hiệp Đức vẫn quyết tâm không để những cá nhân, tổ chức có như cầu kinh phí, có tâm huyết trong việc phát triển kinh tế không được hỗ trợ nguồn kinh phí này. UBND huyện đã tổ chức những cuộc họp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nguồn vốn đồng thời có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh những nội dung chưa rõ, những nội dung xã có ý kiến điều chỉnh.
Đến nay, UBND huyện Hiệp Đức đã phê duyệt thuyết minh dự án phát triển sản xuất của 11/11 xã và giải ngân xong nguồn kinh phí này. Đồng thời, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh trong các sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, huyện Hiệp Đức đang triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấp ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Có thể kể ra một điển hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại địa phương như: Trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC ở huyện Hiệp Đức như HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức).
Mới được thành lập từ tháng 3/2017 nhưng đến nay HTX này đã huy động được trên 15 thành viên tham gia với hơn 100ha được cấp chứng nhận FSC. Hiệu quả hoạt động của HTX Hiệp Thuận còn nhờ vào việc sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung cấp giống, quản lý, chăm sóc, khai thác đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết: “Đến nay, HTX đã đầu tư vườn ươm giống 600m2 cùng 4 máy xẻ công nghiệp với gần 10 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho xã viên, HTX còn cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn 20% giá thị trường cho bà con nông dân tham gia trồng rừng gỗ lớn”.
Qua thực tế thực hiện trong thời gian vừa qua thì huyện Hiệp Đức cũng nhận thấy rằng mỗi dự án được hỗ trợ kinh phí 120 triệu đồng như hiện nay là chưa nhiều. Do đó, Hiệp Đức cũng mong muốn UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho các xã. Và để thuận lợi hơn thì huyện này cũng đề nghị UBND tỉnh phân cấp việc thông báo, tuyển chọn cá nhân, tổ chức chủ trì dự án và chủ trì xây dựng thuyết minh, phân tích chuỗi giá trị cho cấp xã. |