Liên kết sản xuất, hàng nghìn tấn nhãn Sông Mã rộng cửa, giá cao
Lập HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn
Nhận thấy nhiều hộ gia đình trồng nhãn ở địa phương do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên thường gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, thu nhập bấp bênh..., ông Trần Văn Lộc ở bản Tân Lập (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đã mạnh dạn tập hợp các hộ nông dân thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, nhằm sản xuất nhãn theo chuỗi, liên kết với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định.
Các thành viên HTX Hưng Lộc đang thu hoạch nhãn để xuất khẩu. Ảnh: V.Đ |
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn nhãn xanh mướt, quả sai trĩu cành, ông Trần Văn Lộc cho biết: Thành lập năm 2017, đến nay HTX đã có 23 thành viên, chủ yếu là các hộ trồng nhãn, xoài trên địa bàn xã Chiềng Khương. Năm 2018, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho toàn bộ 41ha nhãn, năng suất đạt trên 600 tấn/vụ.
Theo ông Lộc, ngay từ khi thành lập, HTX đã đề ra quy chế hoạt động, tổ chức kế hoạch sản xuất cụ thể đến từng thành viên; phối hợp với cách ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tập huấn và phổ biến kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, kỹ thuật thu hoạch và đóng gói cho các thành viên theo đúng quy trình hướng dẫn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.
Việc tuân thủ áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất đã giúp cho chất lượng quả ngày càng tăng lên. Trung bình 1kg nhãn hiện đạt từ 70 - 75 quả, các thành viên HTX đang cố gắng đạt trọng lượng bình quân 45 - 50 quả/kg nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Năm 2018, sản phẩm nhãn của HTX đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vụ nhãn năm nay, đã có nhiều đối tác đặt hàng xuất khẩu nhãn sang Mỹ, Úc…
Ông Nguyễn Văn Chi - thành viên của HTX vui vẻ cho biết: “Từ ngày vào HTX, chúng tôi được HTX hỗ trợ từ khâu sản xuất, chăm sóc đến thu mua tiêu thụ sản phẩm, tới mùa thu hoạch nhãn bán không lo bị ép giá. Hơn 2ha nhãn của gia đình năm nào cũng cho thu từ 200 – 300 triệu đồng”.
Còn ông Trần Văn Phát chia sẻ, với 4ha nhãn ghép, trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 40 tấn nhãn tươi, thu nhập 400 – 500 triệu đồng/năm. Từ năm 2017 đến nay sản phẩm nhãn của đình ông chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch, đầu ra luôn ổn định.
Đưa nhãn sông Mã đi Úc, Trung Quốc
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng sản xuất nhãn của huyện, bà Lê Thị Yến - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Sông Mã là một trong những huyện trọng điểm phát triển trồng nhãn của tỉnh Sơn La, với tổng diện tích khoảng 6.730ha, sản lượng ước đạt khoảng 30.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha nhãn, tập trung chủ yếu ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu…, dự kiến sản lượng năm nay ước đạt 73.000 tấn quả, cao hơn khoảng 10% so với năm 2018. Giá nhãn đầu mùa tại một số nhà vườn đang dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg.
So với năm 2018, năm nay diện tích nhãn đã tăng lên khoảng 250ha, tuy nhiên sản lượng dự kiến sẽ giảm hơn so với năm ngoái khoảng 10.000 tấn do điều kiện thời tiết không thuận lợi vì nắng hạn kéo dài. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhãn, hiện nay các nhà vườn, HTX trên địa bàn đang tập trung cao cho việc chăm sóc quả và thu hoạch.
Được biết, giống nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã chủ yếu là giống nhãn chín muộn có nguồn gốc từ Hưng Yên, với diện tích chiếm trên 90%, sản lượng đạt gần 24.000 tấn. Nhãn có hương vị thơm ngon, vỏ mỏng, cùi dày được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Để đảm bảo sản phẩm nhãn của địa phương an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, huyện thường xuyên chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và sản xuất hữu cơ.
Hiện nhiều nông dân trồng nhãn trên địa bàn đã áp dụng thành công kỹ thuật sản xuất rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch. Theo đó, tháng 7 bắt đầu vào mùa thu hoạch nhãn Sơn La, nhưng tháng 8 mới chính thức vào chính vụ.
Theo bà Yến, để vụ nhãn năm nay tiêu thụ thuận lợi, ngay từ đầu năm huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch về tiêu thụ sản phẩm; giao nhiệm vụ cho các đầu mối thu gom, sơ chế; xác định rõ các địa bàn tiêu thụ. Cụ thể trong nước, tiêu thụ tại một số tỉnh và thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Đối với xuất khẩu, huyện đã kết nối với thị trường một số nước như Australia, Mỹ, Trung Quốc… Cùng với đó, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nhãn an toàn, hỗ trợ phát triển mở rộng các HTX, giúp các HTX, liên hiệp HTX trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, cải tạo các loại giống nhãn cho năng suất chất lượng cao.
Hiện nhãn Sông Mã đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Australia và 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Huyện đang duy trì kiểm tra, giám sát chặt chẽ 17 chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô hộ thành viên của 17 HTX trên địa bàn, diện tích gần 400ha, sản lượng trên 3.000 tấn nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu.