Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap
Hợp tác xã rau an toàn Bình Minh, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình với 5 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. |
Thành lập vào tháng 5/2020, đến nay, Hợp tác xã rau an toàn Bình Minh, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình đã có 5 ha được chứng nhận đạt chuẩn VietGap. Để có những diện tích rau an toàn theo tiêu chuẩn, các thành viên hợp tác xã cũng đã được tập huấn, chuyển giao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Các sản phẩm rau của hợp tác xã chủ yếu cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch và được giới thiệu tại chuỗi cửa hàng nông sản của huyện. Doanh thu từ việc trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn đạt trên 20 triệu đồng/sào/vụ, bình quân mỗi năm cho lợi nhuận từ 50 - 75 triệu đồng/hộ/năm.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật thì bà con đã nhận thức được rằng lượng đạm còn tồn dư trong rau thời gian cách ly phải đảm bảo thì mới đưa ra thị trường bán. Bây giờ bà con không dùng thuốc trừ sâu nữa mà dùng thuốc sinh học, phân bón sinh học”.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình khẳng định hướng sản xuất mới của địa phương: “Qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi đánh giá rất cao. Tới đây, tất cả các xã nông mới đều hướng đến có sản phẩm OCOP. Riêng xã Nhã Lộng hướng đến tập trung đầu tư, sản xuất rau sạch, rau an toàn theo hướng hữu cơ”.
Để khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng gà đồi Phú Bình. Thời gian qua, Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh đã tích cực áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học theo tiêu chuẩn VietGap, có sổ theo dõi từ việc tiêm phòng, sử dụng loại thức ăn, trọng lượng gà từng giai đoạn, nhằm đảm bảo chất lượng gà thành phẩm ổn định khi xuất ra thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Đông Thịnh, Xã Tân Khánh, huyện Phú Bình chia sẻ: “Chăn nuôi VietGap này thì thứ nhất về con giống là phải đảm bảo về tiêu chí ngay từ đầu. Thứ 2, tiêm phòng phải đảm bảo theo hướng dẫn của Chi cục Thú y”.
Thương hiệu gà đồi Phú Bình được khẳng định do người nông dân tích cực áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học theo tiêu chuẩn VietGap. |
Ðến nay, toàn huyện Phú Bình có trên 25ha diện tích cây ăn quả và diện tích sản xuất nông sản được chứng nhận VietGap và trên 20 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGap. Những năm qua, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi và nông sản sạch không ngừng tăng nhanh, trở thành cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương. Ðiểm nổi bật ở Phú Bình là người nông dân đang chuyển đổi dần sang sản xuất mang tính hàng hóa, nhằm tạo điều kiện đầu tư thâm canh các vùng sản xuất Rau, củ, quả ở Nhã Lộng và sản xuất gà đồi ở Tân Khánh, tạo thu nhập cao, ổn định cho người dân.
Bà Đinh Thị Ngân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình khẳng định: “Huyện Phú Bình được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Thái Nguyên đã phối hợp cùng huyện, phòng Nông nghiệp chuyển giao KHKT, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ. Sau đó đánh giá, xếp loại để các sản phẩm tốt được công nhận là sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGap”.
Có thể nói, ngoài hiệu quả về kinh tế , mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp người sản xuất hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển./.