Chuyển đổi số - xu thế phát triển tất yếu
Chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có.

Chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đất nước bắt kịp với xu thế của thời đại, lần đầu tiên, các khái niệm “chuyển đổi số”, “kinh tế số” được nhắc đến trong văn kiện Đại hội Đảng.

Chuyển đổi số - xu thế phát triển tất yếu
GS.TS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi thông tin với phóng viên.

GS.TS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Trong tất cả quá trình phát triển kinh tế thế giới, năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào các cuộc cách mạng công nghệ. Nước nào tiến hành được cách mạng công nghệ thì nước đó có năng suất lao động cao và phát triển nhanh, đi về phía trước và chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cuộc cách mạng công nghệ. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghệ số 4 này, chúng ta không những không bỏ lỡ mà chúng ta là người chủ động, đi trước, đi tiên phong và những bước đi rất táo bạo, mạnh mẽ".

Một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ", văn kiện Đại hội Đảng đã nhấn mạnh một yếu tố rất mới, đó là "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số". Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ rõ: "Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số".

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, đây là mục tiêu, khát vọng rất lớn, nếu chúng ta mạnh mẽ, quyết liệt cùng với đầu tư hạ tầng, quyết tâm chính trị và có đội ngũ chuyên gia giỏi, làm sao để chuyển đổi số phải lan tỏa đến toàn bộ xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, bởi chuyển đổi số có 1 điều rất hay, khác với các cuộc cách mạng khác là chuyển đổi số dành cho mọi người".

Nếu như năm 2021 được xem là năm đánh dấu giai đoạn khởi động chuyển đổi số quốc gia thì giai đoạn 2021-2025 chính là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường./.