Góp ý về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035
Ủy ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để lắng nghe ý kiến góp ý về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.

Trao đổi tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên thống nhất cao với các mục tiêu, nội dung nêu tại Tờ trình số 165 ngày 17/4/2024 của Chính phủ trình Quốc hội khóa XV về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Những năm qua, cơ bản nội dung đầu tư cho văn hóa được lồng ghép trong các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vì vậy có một chương trình riêng biệt, tổng thể, toàn diện về phát triển văn hóa là thực sự cần thiết và phù hợp với yêu cầu của sự phát triển, nhất là xây dựng văn hóa con người trong giai đoạn hiện nay. Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ góp phần bảo tồn các di sản văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mức thụ hưởng văn hóa cho người dân, thúc đấy phát triển du lịch văn hóa, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Góp ý cụ thể vào các nội dung của Chương trình về công tác điều hành, thực hiện, vấn đề liên quan đến trách nhiệm của địa phương, sự phù hợp, tính khả thi của các nội dung thành phần của Chương trình khi triển khai tại địa phương. Tỉnh Thái Nguyên đề xuất, kiến nghị một số nội dung với các Bộ, ngành Trung ương về việc ưu tiên nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hoá, chế độ chính sách đảm bảo cho lực lượng làm công tác văn hoá ở cơ sở.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết đây là nội dung sẽ được thảo luận xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; do đó đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu bổ sung theo hướng các chỉ tiêu về văn hoá cần cụ thể hơn gắn với nhu cầu sử dụng, hưởng thụ văn hoá của người dân. Cùng với đó là xây dựng chế tài đủ mạnh để quản lý, giám sát, xử lý các vấn đề đảm bảo cho việc triển khai Chương trình một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Ngay sau khi Chương trình được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của tỉnh Thái Nguyên; trên cơ sở đó sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định./.