Thái Nguyên: Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Hoạt động TMĐT cũng bộc lộ một số hạn chế như: Tình trạng gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hoá; nhiều cơ sở hoạt động TMĐT không đăng ký kinh doanh theo quy định, kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Hiện nay, xu thế kinh doanh được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn là kinh doanh thông qua các ứng dụng di động, nhất là các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube,... và các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki... Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh tiếp cận với hoạt động TMĐT thông qua việc sử dụng mạng xã hội, website để quảng cáo, bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT cũng bộc lộ một số hạn chế như: Tình trạng gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hoá; nhiều cơ sở hoạt động TMĐT không đăng ký kinh doanh theo quy định, kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, TP Thái Nguyên cho hay: "Mỗi năm chúng tôi xử lý khoảng 50-60 vụ về kinh doanh TMĐT đối với một số hành vi như: Kinh doanh trên nền tảng TMĐT hoặc sử dụng công nghệ số để kinh doanh, vi phạm chủ yếu về hàng giả, hàng kém chất lượng".

Thái Nguyên: Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, với trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT; thường xuyên phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT; xử lý nghiêm các cá nhân, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước và pháp luật về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 40 vụ liên quan đến TMĐT, thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa vi phạm trên 600 triệu đồng.

Ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong năm 2023, Thái Nguyên đã tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền triển khai đến gần 1.000 tổ chức kinh doanh; trong đó có 3 hội nghị về TMĐT. Chúng tôi đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường trách nhiệm của mình và tăng cường công tác phối hợp với nhau trong chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng".

Cùng với lực lượng quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thái Nguyên cũng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT; phối hợp tổ chức tiếp nhận, phân loại, xử lý khiếu nại; bảo đảm khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Quan trọng nhất là phải tuyên truyền thấy rõ ý nghĩa và lợi ích của TMĐT, phối hợp giữa Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh với Hội doanh nghiệp để làm sao sản phẩm phải có xuất xứ, nhãn mác, chất lượng. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tham gia vào TMĐT cần làm tốt công tác giữ bảo mật về thông tin cá nhân của người tiêu dùng thì thị trường tiêu dùng mới có thể phát triển tốt".

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục quản lý, thu thập thông tin, giám sát hoạt động kinh doanh trên TMĐT để theo dõi tình hình, phương thức hoạt động, kho bãi tập kết hàng hóa của các đối tượng; kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng./.