Huyền thoại đồi A1
Đồi A1 là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh.

Nằm ở phía Đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh. A1 lại là cao điểm cuối cùng gần đường sang Sở Chỉ huy của tướng Đờ cát. Vì vậy, tại đây, quân Pháp đã xây dựng hệ thống hầm ngầm vô cùng kiên cố, đồng thời liên tục tăng sự hiện diện của lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm đến cùng.

Ông Phạm Bá Miều, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, Chiến dịch Điện Biên Phủ cho hay: "Chúng tôi đào công sự dài 4.000m, rộng 1,2m, sâu ngập đầu. Chiến hào của ta phát triển qua 3 giai đoạn: thứ nhất là nằm xuống đào; thứ hai là công sự ngồi, thứ ba là công sự đứng, phát triển công sự nối với chiến hào của địch để đánh địch".

Trong cuộc tấn công này, quân ta nhanh chóng giành chiến thắng ở các cứ điểm C1, D1, D2, E1. Tuy vậy, quân ta không thể giành thắng lợi ở A1 ngay vì hỏa lực địch quá mạnh. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch luôn ở thế giằng co, khốc liệt khi những chiến hào của ta ngày càng áp sát.

Ông Phạm Bá Miều, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: "Khi chiến đấu đồng đội hy sinh rồi chưa được đưa ra, nhưng mình phải nén lòng để thực hiện nhiệm vụ".

Ông Đỗ Ca Sơn, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: "Chỗ ngã ba ở dưới chân đồi E1 có 2 lối rẽ lên đồi. Chỗ ngã ba đó trong tầm ngắm của quân Pháp, chúng đã căn rất chính xác, nếu thấy động sẽ nã súng. Anh nuôi này chết thì anh nuôi khác tiến lên lại ngã gục, cảnh tượng đó diễn ra nhiều lần. Ở Điện Biên những người anh nuôi - cấp dưỡng cũng hy sinh như những người lính cầm súng".

Huyền thoại đồi A1
Trong 39 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân ta đã loại 4 tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động, tiêu diệt 825 tên địch, mở được “chiếc chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm.

70 năm đã trôi qua, đồi A1 vẫn sừng sững, hiên ngang trong lòng TP Điện Biên Phủ. Sự khốc liệt của cuộc chiến còn in dấu với đường hầm quanh co. Và hố bộc phá còn khá nguyên vẹn cho chúng ta biết kế hoạch “lấy hầm trị hầm” của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Sáng kiến đào đường hầm để đưa bộc phá gần 1.000kg vào phá sào huyệt địch được đề xuất bởi Trung đoàn 174.

Ông Trần Văn Thách, Trung đoàn 77, Cục Công binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: "Chiều cao của công sự khoảng gần 2m, độ rộng 3, 4m".

Ông Hoàng Minh Phương, Nguyên Trưởng khoa Chiến lược, Viện Khoa học Quân sự Việt Nam cho biết thêm: "Sức công phá của 1.000kg thuốc nổ làm chấn động cả đồi A1, đến 4 giờ sáng ngày 7/5 ta hoàn toàn chiếm lĩnh đồi A1".

Khối bộc phá đã tạo thời cơ cho quân ta tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Trong 39 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân ta đã loại 4 tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động, tiêu diệt 825 tên địch, mở được “chiếc chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong sử sách sau này đã khẳng định, chiến thắng đồi A1 chính là chiến thắng của máu và hoa./.

Tấm bia trắng không dòng tên họ,

Không năm sinh, không để dấu thôn làng.

Như tất cả anh gửi vào cho đất,

Tôi lặng nhìn đồi A1 thấy hình anh…