Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm
Các cơ quan chức năng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Là một trong những trường có bếp ăn bán trú, Trường Mầm non Phượng Tiến, huyện Định Hoá có trên 200 học sinh ăn bán trú tại trường. Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường đã quan tâm nghiêm ngặt ngay từ khâu kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến khâu chế biến.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phượng Tiến, huyện Định Hoá cho hay: "Từ khâu lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn; khi tiếp nhận thực phẩm thì nhà trường cũng đảm bảo quy trình kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm vào. Quy trình chế biến phải đảm bảo từ tiếp nhận đến sơ chế, chế biến và chia ăn cho trẻ".

Là địa phương có nhiều công ty, nhà máy, bếp ăn tập thể, người lao động thuê trọ nên những năm gần đây, số cơ sở, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cũng tăng theo. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được thành phố Phổ Yên chú trọng.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phổ Yên cho biết: "Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố Phổ Yên đi kiểm tra ở những địa điểm mà có tổ chức các bếp ăn theo quy định; bếp ăn lớn chúng tôi phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh để kiểm tra, đôn đốc các đơn vị; thường xuyên kiểm tra các bếp ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm".

Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm
Qua kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở chưa tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, cũng không phải không còn những cơ sở chưa tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Đặng Thị Hiển mặc dù phục vụ hàng trăm suất ăn mỗi ngày, song tại thời điểm kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ sở chưa có sổ kiểm thực 3 bước theo quy định, trên mẫu chưa ghi thông tin đầy đủ. Bà Đặng Thị Hiển, tổ dân phố Yên Trung, phường Ba Hàng, TP Phổ Yên cho biết: "Thiếu sót do tôi bận và chưa ghi được vào giấy các loại thức ăn của các hộp mẫu".

Thời gian qua, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được các cơ quan chuyên môn triển khai tích cực. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế trong Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2024, từ ngày 15/4 đến 15/5, tại một số bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vẫn phát hiện một số vi phạm như: Sản phẩm thông tin chưa đầy đủ trên nhãn mác; lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Chúng tôi yêu cầu các cơ sở phải thực hiện nghiêm là: khi nhập khẩu các sản phẩm phải có tem, sản phẩm bán ra thị trường phải đầy đủ thông tin, có như vậy khách hàng mới nhận biết và yên tâm mua sản phẩm".

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, yếu tố tiên quyết cần đặc biệt quan tâm, đó là nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến. Do đó, bên cạnh việc vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc thanh, kiểm tra thì mỗi người dân, mỗi đơn vị hãy chủ động lựa chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm lương thực, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng./.