Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập
Toàn cảnh buổi giám sát.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, giai đoạn 2018-2023, tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết Đảng và các văn bản của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Tính đến hết năm 2021, tỉnh Thái Nguyên giảm 105 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, đạt tỷ lệ 11,64%, đạt chỉ tiêu so với chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 quy định tại Nghị quyết số 19. Đến ngày 31/12/2023, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện giảm 116 đơn vị, đạt tỷ lệ 12,86% so với năm 2015. Về quản lý biên chế, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuôc các cơ quan khối chính quyền, so với năm 2015, số người làm việc giảm 4.539 người, đạt tỷ lệ 15,5%; so với năm 2021 số lượng người làm việc giảm 1.664, đạt tỷ lệ 6,3%. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội, so với năm 2015 số người làm việc giảm 27 người, đạt tỷ lệ 20%, so với năm 2017, số lượng người làm việc giảm 14 người, đạt tỷ lệ 11,48%.

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ sự quan tâm của tỉnh đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nhấn mạnh: Thái Nguyên là tỉnh đi đầu trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và thực hiện tinh giản biên chế. Qua quá trình thực hiện đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong bộ máy và sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức, viên chức; ngân sách chi cho các đơn vị sự nghiệp giảm, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc; trao đổi những giải pháp trong việc hoàn thiện các cơ chế để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế về quản lý tổ chức bộ máy; việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao sự phối hợp trong hoạt động giám sát và công tác chuẩn bị các nội dung làm việc với Đoàn giám sát của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả mà tỉnh đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực thuộc nội dung giám sát. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung, số liệu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời phân tích, đánh giá sâu hơn về mục tiêu sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ban hành các quy định, cơ chế chính sách bổ sung cho phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.