Nhiều mô hình hiệu quả

Trong những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất NN sạch.

Hiện nay, nông dân (ND) một số địa phương trong tỉnh như Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Hà… đã dần thay đổi thói quen sản xuất để hài hòa giữa nhu cầu thị trường gắn với lợi ích kinh doanh. Điển hình có 15 hộ ND xã Bình Thới, huyện Bình Sơn sản xuất rau sạch trên diện tích 1,6ha ở cánh đồng Cây Ghen.

Từ khâu sản xuất đến phân phối là một quy trình chặt chẽ, có sự giám sát của Hội ND nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Hiện nay, cánh đồng rau sạch đã bước sang vụ thu hoạch thứ 3, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập của ND cũng tăng lên.

quang ngai nong nghiep tap trung 3 tru cot sach an toan ben vung
Nông dân Quảng Ngãi trồng rau đã sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Ảnh: T.L

Ông Lê Xuân Ánh - ND trồng rau cho biết: Trồng rau sạch tốn công chăm sóc nhiều hơn trồng rau theo kiểu truyền thống nhưng bù lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vốn đầu tư ít nên giá thành sản phẩm không cao, dễ được thị trường chấp nhận. Việc trồng rau sạch không chỉ mang lại sức khỏe cho cộng đồng mà sức khỏe bản thân người trồng cũng được đảm bảo. Riêng ông nhận 4 sào đất để trồng các loại rau như: Khổ qua, mướp… Sau 6 tháng, ông bán rau thu được 35 triệu đồng, lãi 20 triệu đồng. Với thu nhập này, theo ông Ánh, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Trong chăn nuôi, điển hình có Hợp tác xã Tân Hòa Phú ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, với 30 hộ ND tham gia mô hình nuôi lợn bằng thảo dược. Đây là mô hình được Hội ND tỉnh hỗ trợ giống, thức ăn và kỹ thuật từ tháng 6.2017. Nhờ việc ND cho heo ăn các loại thức ăn truyền thống trộn với thức ăn sinh học được chế biến từ thảo dược; thực hiện đúng tiêu chí 3 không (không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh và không sử dụng chất kích thích tăng trọng) nên sản phẩm thịt heo thơm, ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ khâu sản xuất đến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng được hợp tác xã đảm nhiệm, không qua khâu trung gian nào nên sản phẩm được đảm bảo uy tín, chất lượng. Vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc giới thiệu sản phẩm mới, đến nay thịt lợn thảo dược được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để gây dựng, lan tỏa văn hóa sản xuất, kinh doanh NN an toàn theo định hướng chung của tỉnh, các cấp Hội ND đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp thay đổi nhận thức kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người ND thay đổi thói quen sản xuất NN truyền thống sang quy trình NN sạch.

Nhân rộng các mô hình

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 7 vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện đồng bằng trong tỉnh đến năm 2020, với tổng diện tích canh tác 293,1ha; bao gồm các huyện Bình Sơn: 81,2ha, Sơn Tịnh: 36,9ha, Nghĩa Hành: 3ha, Tư Nghĩa: 47,2ha, Mộ Đức: 35ha, Đức Phổ: 6,9ha và TP.Quảng Ngãi: 53,9ha.

Có 15 tổ chức và 5 cá nhân tham gia sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận, với tổng diện tích thực hiện trên 15ha. Tỉnh cũng đã bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 30ha tại huyện Nghĩa Hành.

Trong chăn nuôi, tại Quảng Ngãi đã có nhiều công ty lớn liên kết với người chăn nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất chăn nuôi. Trong đó, có 2 trại chăn nuôi là Trại chăn nuôi thương phẩm Phương ở TP.Quảng Ngãi và Trại chăn nuôi thương phẩm Phong ở huyện Nghĩa Hành được cấp chứng nhận VietGAP.

Tuy hướng đi của nền NN sạch của tỉnh Quảng Ngãi những năm qua đang có khởi sắc cả về định hướng chung các các cấp chính quyền và sự thay đổi nhận thức của người dân, nhưng nhìn chung tốc độ phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh NN của tỉnh.

Trong những năm đến, cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền, hội đoàn thể, ND và doanh nghiệp trong phát triển, nhân rộng nền NN sạch gắn với việc ứng dụng công nghệ cao đồng bộ từ khâu sản xuất, thu hoạch đến đến khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.../.