‘Xử lý ngay tình trạng giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch quá cao’

Chú thích ảnh
Sáng 12/4, giá vàng nhẫn tròn trơn được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 74,48 - 76,38 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thông báo nêu rõ, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Sau khi nghe Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo theo văn bản số 108/BC-NHNN ngày 9/4 về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ, trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời.

“Xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động”, nội dung Thông báo 160/TB-VPCP nêu rõ.

Thủ tướng chỉ đạo NHNN khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Theo Thông báo 160, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định.

NHNN, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày

Tin 24h ngày 12/4/2024
Khách du lịch tham quan Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 2024.

Xét đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại văn bản số 1511/LĐTBXH-CATLĐ ngày 11/4/2024 về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với đề nghị tại văn bản nêu trên của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên phải bố trí sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, Nhân dân, trong đó lưu ý cử cán bộ, công chức ứng trực xử lý những công việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo về việc hoán đổi và nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024 tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng phương án hoán đổi ngày làm việc bình thường vào thứ hai, 29/4, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay và tổ chức ngày làm bù khác.

Cụ thể, đối với công chức, viên chức, ngày làm việc này sẽ được hoán đổi sang làm bù vào thứ Bảy (4/5). Hoán đổi như vậy, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ Bảy (ngày 27/4) đến hết thứ Tư (ngày 1/5).

Đối với người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30/4-1/5 như quy định đối với công chức, viên chức.

Cơ quan quản lý nhà nước về lao động nêu yêu cầu đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật, khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động./.

Đà Nẵng: Khẩn trương tìm kiếm hai anh em sinh đôi mất tích khi tắm biển

Đến 14 giờ ngày 12/4, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm hai anh em sinh đôi bị mất tích khi đang tắm trên bãi biển Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Trước đó, theo báo cáo của UBND phường Hòa Hải, khoảng 9 giờ ngày 12/4, địa phương tiếp nhận tin báo của người dân có người đuối nước, mất tích khi tắm biển.

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định các nạn nhân là hai anh em sinh đôi Phan Gia B. và Phan Bảo T. (cùng sinh năm 2010, trú tại tổ 56, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), là học sinh Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Bá Chánh.

UBND phường Hòa Hải đã báo cáo UBND quận, thông báo cho lực lượng công an và Đồn Biên phòng Non Nước huy động các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Lực lượng chức năng đã sử dụng 10 mô tô nước, 3 thuyền thúng của Đồn biên phòng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để tìm kiếm.

Trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Huỳnh Quang Trung cho biết, do biển có gió to và sóng lớn, đến 14 giờ cùng ngày, việc tìm kiếm chưa có kết quả. Các lực lượng công an, dân quân, biên phòng, nhân viên cứu hộ thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nhân viên các resort xung quanh, cùng người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm hai nạn nhân.

Cơ quan chức năng cũng đã thông báo UBND các phường, xã ven biển khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng và thông báo rộng rãi để người dân cùng phối hợp tìm kiếm. UBND Phường Hòa Hải cũng đề nghị người dân phải thận trọng, giám sát trẻ khi tắm biển để đề phòng tai nạn đuối nước.

Tuyên án đối với 85 bị cáo còn lại trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ngày 11/4, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhận mức án tử hình, 85 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 3 năm tù treo cho đến tù chung thân.

Hội đồng xét xử tuyên bố, 5 bị cáo đang bị truy nã gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành của Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên Hội đồng Quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB) và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị các bị cáo ra đầu thú để nhận sự khoan hồng. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn vắng mặt, do đó, từ bỏ quyền bảo vệ quyền lợi của mình. Hội đồng xét xử vẫn tạo điều kiện cho các luật sư tiếp cận hồ sơ và tham gia bào chữa cho các bị cáo. Việc xét xử vắng mặt với các bị cáo không gây trở ngại cho quá trình xét xử.

Các bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, hiện đã bỏ trốn); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cùng lãnh án chung thân về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) lãnh án chung thân về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Bị cáo Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) nhận mức án 14 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp là 20 năm tù giam.

Bốn bị cáo đã bỏ trốn còn lại gồm: Chiêm Minh Dũng nhận mức án 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; các bị cáo Trầm Thích Tồn nhận mức án 16 năm tù, Nguyễn Lâm Anh Vũ nhận mức án 13 năm tù; Nguyễn Thị Thu Sương nhận mức án 17 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt mức án 17 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Đầu tư Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng SCB nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 14 năm tù giam.

Đối với nhóm các bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng xét xử tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) lãnh mức án 11 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận mức án 4 năm tù, Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận án 3 năm tù, Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận án 3 năm tù treo. Các bị cáo còn lại thuộc đoàn thanh tra nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 7 năm tù giam…

Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị tuyên án 10 năm tù

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, ngày 12/4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiến hành tuyên án đối với cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cùng 12 bị cáo liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn thuế; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; nhận hối lộ và đưa hối lộ.

Cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị tuyên 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội đúng như cáo trạng, bày tỏ ăn năn, hối hận về hành vi của mình, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên 2 năm tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"; 7 năm về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt, Trương Xuân Đước lĩnh 9 năm tù. Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong vụ án này, Đước có vai trò chủ mưu trong hai tội danh trên nhưng đã ăn năn, hối cải, thừa nhận hành vi.

Vợ của Đước là Nguyễn Thị Ngọc Anh bị tuyên 18 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"; 3 năm tù với tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt là 4 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Đình Đương (cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) bị tuyên 6 năm 6 tháng tù; nhân viên cấp dưới của Đương là Đỗ Thanh Hoài nhận 4 năm 6 tháng tù cùng tội "Nhận hối lộ" và cấm đảm nhiệm chức vụ trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Các bị cáo Đặng Khắc Thành bị tuyên 18 tháng tù, Hà Thị Bích Nhàn 15 tháng tù cùng tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Các bị cáo Hà Thị Trang, Đỗ Thị Đua, Vũ Ngọc Tú, Chu Thị Thu Hiền, Nguyễn Hiền Tài và Ngô Văn Tuyên bị phạt từ 300 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng với tội "Trốn thuế"…

Phạt tù hai cựu cán bộ Công an cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Minh Anh/TTXVN

Sau 2 ngày xét xử, chiều 11/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 7 bị cáo trong đường dây cho vay lãi nặng và đánh bạc tại Hà Nội.

Trong đó, có 2 cựu cán bộ Công an phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là Hoàng Văn Hoan bị phạt 2 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và Nguyễn Sơn Thành bị phạt 6 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”. Tòa nhận định các bị cáo không oan mặc dù cơ quan điều tra có một số thiếu sót.

Trong vụ án này, vợ của bị cáo Hoan là Quách Thị Thơm bị phạt 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội với chồng là “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Bốn bị cáo còn lại bị phạt từ 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù về cùng tội “Đánh bạc”.

Theo cáo trạng, khoảng năm 2016, Hoan lập tài khoản Facebook quảng cáo dịch vụ cho vay tài chính chuyên cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an vay tiền. Hoan xác minh tại nơi công tác, học tập của người vay nhưng để vợ giao dịch tránh "gặp phải người quen ảnh hưởng đến nghề nghiệp". Người vay ngoài để lại thẻ ngành, thẻ Đảng hoặc giấy tờ liên quan do ngành Công an cấp còn phải ngụy trang bằng "viết giấy nhận tiền mua hộ xe máy".

Thơm và Hoan tính lãi suất 5.000 đồng/một triệu đồng/ngày; người vay đóng lãi 10 ngày/lần thông qua tài khoản ngân hàng của Hoan hoặc gặp trực tiếp đưa tiền mặt cho Thơm. Khi giao tiền, Thơm giữ lại luôn tiền lãi 10 ngày đầu.

Viện Kiểm sát xác định, từ năm 2016 - 2018, Hoan dùng 3,6 tỷ đồng cho 52 cán bộ Công an vay thu lợi bất chính hơn 920 triệu đồng, lãi suất 4.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 146 - 182,5% năm, gấp 7 - 9 lần lãi suất tối đa Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thời gian này, Hoan rủ Nguyễn Sơn Thành góp tiền để cùng cho vay nhưng Thành từ chối và chỉ đồng ý cho Hoan vay với lãi suất 1.000 đồng/triệu đồng/ngày. Do lãi suất vay dưới 100%/năm, Thành không bị xử lý về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuy vậy, Thành bị cáo buộc tổ chức cho 4 bị cáo: Đỗ Mạnh Dương, Nguyễn Thị Thanh, Lê Đức Lợi và Mai Thị Khanh đánh bạc dưới hình thức chơi lô, đề từ năm 2014 - 2018, với tổng số tiền đánh bạc hơn 777 triệu đồng, qua đó, thu lợi bất chính hơn 144 triệu đồng…

Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của 7 bị cáo là nguy hiểm, gây tác hại tới xã hội rất lớn, là nguồn gốc phát sinh các tệ nạn xã hội nên cần răn đe nghiêm khắc. Trong đó, Tòa xác định bị cáo Thành giữ vai trò đầu vụ, đứng ra tổ chức đánh bạc cho 4 người còn lại và đánh bạc nhiều lần, do đó, Thành phải chịu mức án phạt cao nhất.

Hà Nội: Bắt Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô vì nhận hối lộ 1 tỷ đồng

Ngày 12/4, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đã nhận hối lộ 1 tỷ đồng.

Qua triển khai công tác nghiệp vụ, Đội Phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực giao thông, bưu chính viễn thông (thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội) bước đầu làm rõ ông Ch. M.H đã nhận hối lộ số tiền 1 tỷ đồng để bỏ qua cho công trình xây dựng không có giấy phép trên diện tích đất 1.400 m2 được hoàn thiện thi công.

Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Ch. M.H về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Các Quyết định, Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phê chuẩn.

Hiện vụ việc đang được điều tra mở rộng để làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan.

Ông Trump phản ứng ra sao trước 'lời mời' tới Ukraine của Tổng thống Zelensky?

Ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump cho rằng việc ông tới thăm Ukraine khi không phải là tổng thống không phù hợp vào thời điểm này.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Axel Springer công bố ngày 9/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hối thúc ông Donald Trump tới thăm quốc gia của mình để ông có thể lắng nghe ý kiến của cựu Tổng thống Mỹ về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Trả lời trong một bức thư điện tử, chiến dịch của cựu Tổng thống Trump cho biết chưa có lời mời chính thức nào từ phía Tổng thống Zelensky đối với ông Trump: “Không có động thái tiếp cận chính thức nào từ ông Zelensky và cựu Tổng thống Trump từng công khai nói rằng việc ông ấy đến Ukraine vào lúc này là không thích hợp vì ông ấy không phải là tổng thống”.

Việc các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ thường đi ra nước ngoài để tuyên truyền thông tin về chính sách đối ngoại không phải là việc hiếm gặp.

Trước đây, các cựu ứng cử viên đảng Cộng hòa như cựu Phó Tổng thống Mike Pence và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie đã đến Ukraine trong quá trình vận động tranh cử. Trong cuộc tranh cử tổng thống đầu tiên vào năm 2016, tỷ phú Trump cũng đã đến Mexico và gặp tổng thống khi đó là Enrique Pena Nieto.

Hồi tháng 3, sau loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ, ông Trump đã giành được đề cử của đảng Cộng hoà và dự kiến tái đấu với Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào ngày 5/11 tới.

Từ lâu, cựu Tổng thống Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hoà luôn phản đối việc Washington hỗ trợ cho Ukraine trong xung đột với Nga. Ông Trump từng nhấn mạnh mình có thể kết thúc cuộc chiến tại Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 năm ngoái với hãng tin Reuters, ông Trump cho biết nếu trở thành tổng thống, ông sẽ đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó, trong một bài viết trên tờ Washington Post ngày 7/4, ông Trump đã tiết lộ tin độc quyền rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine bằng cách gây sức ép buộc Kiev phải nhượng Crimea và khu vực biên giới Donbass cho Nga.

Trong một tuyên bố ngày 9/4, Tổng thống Zelensky cho biết ông sẵn sàng lắng nghe các đề xuất của ông Trump nhưng cũng bày tỏ sự hoài nghi kèm theo.

Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ mới tại Argentina

Ngày 11/4, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) thông báo các nhà cổ sinh vật học nước này đã phát hiện ra một loài khủng long mới thuộc chi titanosaur, một chi thuộc họ khủng long sauporod ăn cỏ có đầu nhỏ và thân hình to lớn.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn thông báo của Conicet cho biết loài khủng long mới này sống ở khu vực Patagonia của Argentina cách đây 66 triệu năm, ngay trước khi xảy ra cuộc tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen đánh dấu sự kết thúc của “triều đại” khủng long trên Trái Đất.

Chú thích ảnh
Ảnh: news.nationalgeographic.org

Các nhà khoa học Argentina đã đặt tên cho loài mới phát hiện là “Titanomachya gimenezi”, với ý nghĩa gợi nhớ đến trận chiến Titanomachy trong thần thoại Hy Lạp, nơi các vị thần chiến đấu chống lại những người khổng lồ titan. Cùng với đó, tên gọi của loài khủng long mới cũng nhằm vinh danh bà Olga Giménez, nhà cổ sinh vật học đầu tiên phát hiện ra hóa thạch khủng long ở tỉnh Chubut miền Nam Argentina.

Nhà nghiên cứu Agustín Pérez Moreno của Conicet cho biết hóa thạch của loài titanosaur mới này được tìm thấy trong các trầm tích dày tại “Hệ tầng La Colonia” ở tỉnh Chubut. “Titanomachya gimenezi” nặng khoảng 7 tấn, nhỏ hơn nhiều so với loài “Patagotitan mayorum” cũng thuộc chi titanosaur, sống cách đây khoảng 95 - 100 triệu năm tại vùng Patagonia. Hóa thạch của loài “Patagotitan mayorum” được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Neuquén cho thấy loài titanosaur nặng tới 70 tấn, dài 37 m và cao gần 6 m.

Trong trường hợp của “Titanomachya gimenezi”, các nhà cổ sinh vật học Aregntina đã xác định được sự tồn tại của loài này dựa trên hình thái của xương cựa, một loại xương ở chân sau của các loài khủng long. Các nhà khoa học đã phục hồi thành công các phần chi trước và chi sau, cũng như các mảnh xương sườn và đốt sống đuôi của loài này.

Ông Pérez Moreno nhấn mạnh cho đến trước khi “Titanomachya gimenezi” được phát hiện, các nhà khoa học chưa từng tìm thấy bất kỳ hóa thạch nào của họ khủng long sauropod tại “Hệ tầng La Colonia” - vốn là “khu nghĩa trang” của nhiều loài sinh vật cổ, từ khủng long ăn thịt và thằn lằn đầu rắn đến rùa và các loài bò sát khác.

Do đó, nhà khoa học này khẳng định “những phát hiện ở La Colonia không chỉ cung cấp thông tin quan trọng về quần thể sauropod ở Patagonia vào cuối kỷ Phấn trắng mà còn về sự đa dạng của hệ sinh thái khu vực vào thời điểm đó”.

Khoảng 66 triệu năm trước, hệ sinh thái tại vùng Patagonia ẩm ướt có hệ thực vật thủy sinh, cây cọ và rừng lá kim đa dạng, qua đó là môi trường sống hoàn hảo cho các loài khủng long ăn cỏ lớn./.