Ông Alexander Lavrentyev, đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Syria tại Moscow khẳng định trong cuộc họp báo ngày 28/11 rằng có khoảng 15.000 tay súng thuộc mặt trận Nusra Front - một nhánh của Al-Qaeda, sau này còn có tên gọi là Hayat Tahrir al-Sham hiện diện ở tỉnh đông bắc Syria - Idlib. Khu vực này là thành trì quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy. Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn Idlib hồi tháng 9/2018, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ tạo điều kiện để lực lượng nổi dậy rút quân khỏi khu vực phi quân sự này.

nga san sang tan cong phe noi day o syria neu thoa thuan idlib sup do
Nga tuyên bố nước này đã chuẩn bị cho chiến dịch ném bom khu vực mà lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở Syria nếu như các nhóm phiến quân này không rút lui. Ảnh: AFP

Trước tình hình hàng nghìn tay súng vẫn hiện diện tại khu vực Idlib, ông Lavrentyev khẳng định Nga sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng nổi dậy khác đánh bại lực lượng Hayat Tahrir al-Sham và thậm chí đề xuất một mặt trận thống nhất giữa quân Syria và phe đối lập.

"Chúng tôi rất hy vọng các lực lượng vũ trang của phe đối lập ôn hòa sẽ nỗ lực để giải quyết tình hình hiện nay tại khu vực phức tạp này và tự thiết lập một trật tự. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể, bao gồm cả sự trợ giúp của các lực lượng chính phủ Syria", hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Lavrentyev.

Chính phủ Syria ban đầu để mất phần lớn lãnh thổ vào tay các nhóm đối lập khác nhau nhưng những tay súng này sau đó đã bị các nhóm bảo thủ cực đoan như Al-Qaeda và IS đánh bại. Khi Mỹ bắt đầu tập trung vào nhiệm vụ đánh bại IS và ủng hộ phe nổi dậy chủ yếu là nhóm người Kurd hay còn gọi là Lực lượng Dân chủ Syria, Nga đã can thiệp bằng cách hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các nhóm dân quân ủng hộ chính phủ mà phần lớn trong số đó được Iran hỗ trợ.

Trong khi IS dần bị đánh bại thì Nga - Iran - Syria cũng giành lại hầu hết các vùng đất phe nổi dậy kiểm soát trước đó khiến lực lượng này chỉ còn nắm giữ Idlib và một số khu vực ngoại ô. Quân đội Syria bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự quanh khu vực này từ tháng 8/2018 khiến phương Tây lo ngại về nguy cơ giao tranh có thể xảy ra. Idlib không chỉ là khu vực mà các nhóm thánh chiến Hồi giáo kiểm soát mà còn có cả các tay súng đối lập và là nơi sinh sống của nhiều dân thường.

Trong khi đó, trước lo ngại về một thảm họa nhân đạo và nguy cơ giao tranh tại khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với Nga thông qua một thỏa thuận hồi tháng 9/2018. Theo như các điều khoản trong thỏa thuận, các loại vũ khí hạng nặng phải được chuyển khỏi khu vực phi quân sự Idlib vào giữa tháng 10/2018 nhưng thậm chí vài ngày sau hạn chót, các lực lượng quân sự đối lập vẫn ngoan cố chống cự.

Nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Syria đang ngày càng mất kiên nhẫn với thỏa thuận này khi đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ đã không có những nỗ lực cần thiết để khiến lực lượng Hayat Tahrir al-Sham và các nhóm nổi dậy khác phải rút quân trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục kêu gọi Ankara cần có nhiều động thái hơn nữa. Dù vậy, hòa bình "mong manh" vẫn được duy trì tại Idlib cho đến khi cuộc tấn công vũ khí hóa học gần đây xảy ra khiến không quân Nga tiến hành hàng loạt cuộc không kích ở Aleppo ngày 26/11. Các cuộc không kích này nhằm trừng phạt phiến quân được cho là đã thực hiện cuộc tấn công vũ khí hóa học tối ngày 24/11 ở hai khu vực lân cận của thành phố Aleppo là al-Khalidiye và al-Zahraa cùng với Phố Nile khiến hơn 100 người phải nhập viện.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria ngày 28/11 cho biết, các cuộc đụng độ gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra giữa một bên là chính phủ Syria và các đồng minh với bên kia là những kẻ nổi dậy và lực lượng thánh chiến tại các khu vực phía bắc Latakia, phía đông Idlib và phía tây Aleppo./.