EVN đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần năm nay

Đầu năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và điện năng. Cùng đó, tập đoàn này cũng được giao đề xuất lộ trình, những khách hàng áp dụng cơ chế bán điện này.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết tập đoàn này đang báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm các cơ chế giá điện hai thành phần trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ 2025. "Đây là cách chúng ta tạo sân chơi minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn cho tất cả các bên, kể cả nhà máy điện, nguồn điện, doanh nghiệp và người dân", việc này cũng giúp giá điện có thể tiến tới thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, sẽ giúp đánh giá tác động, chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án. "Người tiêu dùng sẽ có cơ hội đánh giá và so sánh về mức độ chênh lệch giá khi sử dụng điện".

Hiện, Việt Nam áp dụng giá điện một thành phần, tức tính theo lượng điện tiêu thụ trong tháng. Biểu giá này chỉ bù đắp chi phí biến đổi như tiền mua nhiên liệu, vật tư cho nhà máy phát điện. Còn giá hai thành phần, ngoài tính theo điện năng tiêu thụ, sẽ bổ sung thêm giá theo công suất. Đây là khoản sẽ bù đắp cho chi phí cố định (khấu hao, nhân công, sửa chữa...).

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Cơ chế này khá giống với giá cước điện thoại cố định. Tức là sẽ có một số tiền phải trả cố định dù không nghe gọi, là tiền thuê bao hàng tháng, hay giá công suất. Phần thứ hai, tính trên dung lượng nghe gọi, tương tự với điện là lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng. Cùng đó, cơ chế này cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng không dùng.

Ngoài ra, theo ông Đức, việc điều chỉnh giá sẽ linh hoạt hơn do tách bạch được hai thành phần, trong đó giá điện năng biến đổi lớn, trong khi chi phí đầu tư thay đổi chậm hơn.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần

Cứu sống nam sinh ở Quảng Bình bị bạn cùng trường dùng dao đâm thủng thận

Ngày 8-4, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), các y bác sĩ của bệnh viện này vừa cứu sống một nam sinh bị bạn học cùng trường đâm thủng thận.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Chụp CT scan thấy tổn thương ở lách độ I - II. Chấn thương rách cực trên thận ổ lớn, xuyên vào nhu mô thận, đứt mạch máu gây chảy máu ồ ạt thành vòi

Trước đó, em H.G.B., học sinh lớp 9 Trường THCS số 2 Bắc Lý (TP Đồng Hới), xảy ra mâu thuẫn với bạn học cùng trường. Giờ ra về, em B. bị người bạn này dùng dao đâm vào vùng mạn sườn bên trái và chảy nhiều máu.

m B. sau đó được đưa đến khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Kết quả CT scanner cho thấy em B. bị đâm thủng thận trái độ IV xuyên tới đài thận, có ổ đang chảy máu ồ ạt thành vòi và chấn thương lách độ I-II.

Những dấu hiệu này khiến huyết áp của B. thấp dần, và sốc trụy mạch. Trước tình thế nguy kịch, em B. ngay lập tức được đưa đến phòng cấp cứu đặc biệt để được thực hiện kỹ thuật nút mạch cầm máu.

Sau 20 phút can thiệp, các nhánh động mạch tổn thương đang chảy máu đã được nút mạch bằng vật liệu đặc biệt. Đến ngày 8-4, tình trạng sức khỏe của em B. đã ổn định.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trường THCS số 2 Bắc Lý cho biết hai học sinh mâu thuẫn vào tiết cuối của buổi học.

Đến khi tan trường thì hai học sinh này đánh nhau ở cổng trường, sau đó mới xảy ra chuyện em B. bị bạn đâm nói trên. Cũng theo lãnh đạo này, người đâm em B. đã làm việc với công an, sáng 8-4 học sinh này vẫn đến lớp.

Nút giao thứ 7 trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 sẽ đưa vào sử dụng dịp 30-4

Theo chủ đầu tư, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nút giao thứ 7 ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa vào sử dụng.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Nhà thầu đang thi công hoàn thiện cầu vượt cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại nút giao ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa)

Hiện nay, tại nút giao này có bốn nhánh ra, vào cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đã và đang được nhà thầu thi công thảm bê tông nhựa.

Hạng mục cầu vượt qua đường cao tốc cũng đang được công nhân của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành hàn vách, đổ gờ lan can cầu.

Tại nhánh ra của nút giao ở xã Thiệu Giang, đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam), công nhân và thiết bị máy móc của Tổng công ty cổ phần Miền Trung đang tập trung thảm bê tông nhựa lớp 2.

"Tranh thủ những ngày nắng ráo, nhà thầu đang huy động thêm nhân lực, máy móc để thảm bê tông nhựa. Sau khi thảm bê tông nhựa mặt đường xong, nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục an toàn giao thông để kịp thông xe vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5", ông Nguyễn Đức Thảo - chỉ huy trưởng công trường thuộc nhà thầu Tổng công ty cổ phần Miền Trung - cho biết.

UBND huyện Thiệu Hóa (chủ đầu tư) cho biết tại nút giao thứ 7 trên cao tốc đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 ở xã Thiệu Giang, các hạng mục công trình đã được nhà thầu hoàn thiện trên 90%.

Các nhà thầu đang tập trung thi công phần hai đầu cầu vượt cao tốc, thảm bê tông nhựa, làm gờ lan can, khe co giãn; lắp đặt các hạng mục hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng, kẻ vạch đường để đưa vào sử dụng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Được biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài hơn 98km, chia làm ba dự án thành phần gồm: đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Trên toàn tuyến cao tốc này qua tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch bảy nút giao liên thông gồm: nút giao Gia Miêu (Km295+800), nút giao Hà Lĩnh (Km306+000), nút giao Thiệu Giang (Km315+380), nút giao Đông Xuân (Km327+142), nút giao Đồng Thắng (Km335+400), nút giao Vạn Thiện (Km351+320) và nút giao Nghi Sơn (Km379+500).

Nút giao Thiệu Giang giao cắt với cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại Km315+380, do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư.

Sắp có vắc xin ngừa ung thư phổi đầu tiên trên thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi là loại ung thư xảy ra phổ biến nhất trên toàn thế giới với 2,5 triệu ca mắc mới mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Viện Francis Crick và Đại học College London (Anh) đã phát triển vắc xin ung thư phổi LungVax.

Vắc xin LungVax ngăn ngừa ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao. LungVax sử dụng công nghệ tương tự như vắc xin Covid-19 AstraZeneca, theo trang tin của Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh Cancer Research UK.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Các nhà nghiên cứu đang tìm cách tạo ra vắc xin ngừa ung thư phổi đầu tiên trên thế giới

Giống như cách vắc xin truyền thống sử dụng một phần virus để huấn luyện cơ thể chống lại bệnh, vắc xin ung thư phổi sử dụng các protein vô hại từ bề mặt tế bào ung thư được gọi là kháng nguyên đột biến (neoantigens). Đây là một loại protein mới hình thành trên tế bào ung thư khi có đột biến xảy ra trong ADN khối u.

Khi được đưa vào cơ thể, neoantigens sẽ tác dụng như một "dấu hiệu báo động", giúp hệ thống miễn dịch nhận biết, tiêu diệt các tế bào phổi bất thường, ngăn chặn ung thư phổi.

Giáo sư Tim Elliott, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án LungVax, cho biết:

Giai đoạn đầu tiên sẽ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để xem liệu vắc xin có kích hoạt thành công phản ứng miễn dịch hay không. Và nếu thành công, vắc xin sẽ được chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Trong vòng 2 năm, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và sản xuất 3.000 liều vắc xin đầu tiên tại cơ sở sản xuất sinh học lâm sàng Đại học Oxford.

Sau đó là các thử nghiệm lớn hơn trên những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi, bao gồm người 55 - 74 tuổi đang hút thuốc hoặc từng hút thuốc, theo Cancer Research UK.

Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin có thể hiệu quả đến 90% trên tất cả các dạng ung thư phổi. Tuy nhiên, Giáo sư Mariam Jamal-Hanjani cũng lưu ý, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi vẫn là ngừng hút thuốc.

Truy tố bị can Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác ra tòa

Bị can Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc dùng thủ đoạn gian dối, nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros; sau đó phát hành, niêm yết số cổ phiếu trên sàn HOSE, lừa dối các nhà đầu tư lầm tưởng là cổ phiếu có giá trị thật.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Bị can Trịnh Văn Quyết bị truy tố cùng 49 bị can khác

Theo cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, bị can Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối, tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.

Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Để chiếm đoạt được tiền, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết giao cấp dưới và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết trực tiếp chỉ đạo) điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

Các bị can thuộc Công ty Faros, Công ty kiểm toán, người thân quen của Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế... đã thực hiện chỉ đạo của Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào Báo cáo tài chính kiểm toán, Bản cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Các bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN, VSD và sàn HOSE đã sử dụng những thông tin gian dối trên Báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ tài liệu của Công ty Faros cung cấp để chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt 3.621 tỉ đồng.

Đối với hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, kết quả điều tra cáo buộc ngoài các cá nhân có hành vi giúp sức cho cựu chủ tịch FLC, cơ quan tố tụng còn làm rõ sai phạm của các cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu.

Giá vàng miếng lập đỉnh 83 triệu đồng/lượng, đắt chưa từng có

Sáng nay 9/4, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng mạnh và chạm mốc 83 triệu đồng/lượng, mức giá cao chưa từng có.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Sáng 9/4, giá vàng miếng SJC lập đỉnh lịch sử 83 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, lúc 10h15, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng ở mức 81 - 83 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đặc biệt, vàng miếng SJC loại 5 chỉ được SJC bán ra với mức giá 83,02 triệu đồng/lượng, loại 2 chỉ, 1 chỉ, 5 phân có mức giá bán ra là 83,03 triệu đồng/lượng.

Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC đang được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết với mức giá 80,3 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Như vậy, giá vàng đã tăng khoảng 600.000 - 800.000 đồng/lượng (giá bán) so với giá chốt hôm qua. Hiện, các cửa hàng đều nới rộng khoảng cách giữa giá mua - bán lên tới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng miếng tăng mạnh thì giá vàng nhẫn chưa có nhiều biến động và vẫn giữ được mức cao kỷ lục đã lập được hôm qua. Cụ thể, vàng nhẫn loại 1-5 chỉ tại SJC được niêm yết với mức giá 73,15 - 74, 65 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại Doji, giá vàng nhẫn là 74 - 75,4 triệu đồng/lượng.

Còn so với sáng qua, giá vàng tại SJC đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng tại Doji tăng 900.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới sáng nay, giá vàng vẫn đang tăng. Hiện giá đang dừng lại ở mức 2.343 USD/ounce, tăng thêm 5 USD/ounce so với đầu giờ sáng. Thống kê của Kitco cho thấy, giá vàng đã tăng 4,8 USD (0,21%) trong 24 giờ qua và tăng 164 USD/ounce (7,54%) trong vòng 30 ngày.

Từ ngày mai (10/4), áp dụng chính sách tiền lương mới trong khối doanh nghiệp Nhà nước

Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 1 của Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương.

Theo đó, doanh nghiệp căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động để xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Tin 24h ngày 9/4/2024
Theo quy định mới, các mức lương trong thang, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện. Nghị định 21/2024/NĐ-CP cũng quy định chi tiết hơn các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước mà doanh nghiệp có thể loại trừ khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch.

Điều 2 của Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 của Nghị định số 52/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết hơn về việc xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách.

Theo đó, căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xây dựng, ban hành bảng lương và xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách làm cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong bảng lương do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong bảng lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách theo quy định tại Nghị định này.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Trong phần phụ lục, Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi hạng công ty dùng để xác định mức tiền lương cơ bản của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.

Sau khi sửa đổi, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chia thành 6 hạng với những điều kiện cụ thể để xếp hạng.