Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 18 cá nhân và tổ chức Iran liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như ủng hộ lực lượng Vệ binh cách mạng Iran phát triển các trang thiết bị quân sự, sản xuất linh kiện điện tử hoặc liên quan đến việc trộm chương trình phần mềm của Mỹ, phương Tây để bán cho Iran. Theo lệnh trừng phạt mới, tất cả các cá nhân và tổ chức này sẽ bị phong tỏa tài sản và giao dịch ở Mỹ.

my iran tiep tuc cuoc chien an mieng tra mieng
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn chưa thôi ý định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh: Getty Images)

Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh "quan ngại sâu sắc các hoạt động nguy hại của Iran tại Trung Đông, làm suy yếu an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực". Theo Chính phủ Mỹ, Iran đang ủng hộ các lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas ở Palestine, chính quyền Syria và nhóm phiến quân Hồi giáo người Houthi ở Yemen.

Phía Iran ngay lập tức lên án những biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ, đồng thời thông báo các hành động đáp trả.

Hãng thông tấn IRNA dẫn thông cáo Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ, nước này gọi hành động của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào Iran là “vô nghĩa.” Trước đó, chính phủ Iran cũng nhiều lần nhấn mạnh không có ý định theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói: “Chúng tôi tin rằng, vũ khí hạt nhân không mang lại lợi ích an ninh cho bất kỳ ai và là bất hợp pháp vì những hậu quả mà nó gây ra. Trong phát biểu tại Tòa án Công lý quốc tế năm 1996, tôi cũng từng nói rằng, bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào đều là bất hợp pháp, bởi nó vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của luật nhân đạo quốc tế. Và đây cũng là lập trường của Iran”.

Quyết định của Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) năm 2015.

Tuy nhiên, nước này cũng cho rằng Iran chưa hoàn toàn đáp ứng được tinh thần của thỏa thuận nên Mỹ vẫn phải tiếp tục gia tăng sức ép. Đây là lần thứ 2 Mỹ thừa nhận Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, dù trong lúc tranh cử ông luôn gọi đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất và sẽ hủy bỏ văn kiện ngay sau khi lên nắm quyền.

Là thành công quan trọng trong học thuyết ngoại giao của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và là bước tiến lớn trong chính sách quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân, thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được biết đến với cái tên Kế hoạch hành động chung đã được Iran và các cường quốc ký hôm 14/07/2015 và chính thức có hiệu lực nửa năm sau đó.

Tuy nhiên, hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, vào thời điểm “cuộc sát hạch đầu tiên” đối với việc thực hiện Kế hoạch hành động chung, chính phủ Mỹ đã kêu gọi đánh giá lại thỏa thuận. Tiến trình này vẫn đang diễn ra và dự kiến sẽ chưa thể kết thúc trước đợt “sát hạch lần thứ 2”, trong 90 ngày tới, tức là vào giữa tháng 10.

Trong lúc này, ông Donald Trump dường như vẫn chưa thôi ý định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận quan trọng đối với nền ngoại giao thế giới này cũng như nỗ lực toàn cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân. Một sự thỏa hiệp đạt được sau 3 năm đàm phán căng thẳng, chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng từng đẩy các bên tới bờ vực một cuộc chiến tranh trong những năm 2000./.