Hát ru là hình thức diễn xướng quen thuộc của Việt Nam, mang đậm chất quê hương, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là sự ngọt ngào không thể thiếu của tuổi ấu thơ, như ký ức mãi mãi đi theo mỗi người về những khoảnh khắc yên bình nhất trong vòng tay của bà, của mẹ. Trong những câu hát ru ấy, ta bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thân quen như: cây đa, giếng nước, sân đình, những dòng sông…đậm chất thi ca.

tho va nhac trong lan dieu hat ru bac bo
BTV Linh Giang trao đổi với nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh và nhạc sỹ Phạm Đình Chiến


Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, một nhà thơ rất đỗi quen thuộc với những người yêu thi ca Thái Nguyên nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung, ông cũng là một hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Thái Nguyên chia sẻ những tình cảm của mình dành cho hát ru: “Tôi thấy đó là những bài ca dao tuyệt đẹp, được các nghệ sĩ dân gian phổ nhạc vào và biến thành lời hát ru. Ba miền Bắc, Trung, Nam có thể có những điệu thức khác nhau, nhưng chất thơ trong ca từ của những bài ca dao ấy thì tuyệt vời. Có hai chủ đề lớn trong lời hát ru của Việt Nam mình. Một là trực tiếp bộc bạch tình cảm yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Những bài học giáo dục tuyệt đẹp dành cho con thơ như Thằng Bờm, quạt mo… Trong ca dao của chúng ta, cái đằm thắm là bờ tre, bến nước, mái rạ, sân đình… Nó chạm tới cái sâu thẳm của tâm hồn Việt Nam.

tho va nhac trong lan dieu hat ru bac bo
Những hình ảnh người mẹ đưa võng, hát ru cho con là hình ảnh minh họa điển hình của hát ru

Những làn điệu hát ru không chỉ đậm chất thơ mà còn rất đa dạng, mang tính chất địa phương, gần như mỗi gia đình có một cách hát riêng biệt. Trong hát ru thường chỉ chú ý đến ca từ còn giai điệu thì mỗi bà mẹ có một giọng trữ tình rất riêng nhưng vẫn gây ấn tượng sâu sắc trong suốt cả cuộc đời người con. Đối với nhạc sỹ Phạm Đình Chiến, Hội nhạc sỹ Việt Nam, là tác giả của ca khúc “Lời mẹ ru” tri ân những anh hùng đã ngã xuống thuộc Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh đêm 24/12/1972 tại Thái Nguyên, một nhạc sỹ với ca từ giản dị, giai điệu mượt mà đã gây không ít xúc động trong lòng người nghe thì hát ru lại tinh túy hơn nữa: “Từ ngàn xưa, nó là dân ca, những tác phẩm của dân. Mỗi người hát một chút, nhờ truyền miệng mà làm nên hát ru cho cuộc sống trở nên sinh động hơn. Tuy thế, có rất nhiều tác phẩm mà giai điệu rất phức tạp, không phải dễ hát.”
Có thể nói, hát ru là bài học giáo dục âm nhạc đầu tiên mà mỗi người bà, người mẹ truyền cho cháu, cho con. Cùng với dòng sữa ấm nuôi thân thể của con thì một làn điệu thi ca dân gian, một nét nhạc dân tộc được rót vào trong tiềm thức của mỗi đứa trẻ để rồi lớn lên, những lời ru ấy mãi mãi đi vào miền ký ức thân thương, không thể xóa mờ.