Phú Bình đi vào thực hiện xây dựng Cánh đồng mẫu lớn
Trong các xã thực hiện Đề án Cánh đồng lớn lần này, Úc Kỳ là địa phương được kỳ vọng tạo ra chuyển biến lớn ở cả năng suất và giá trị. Sản phẩm lúa nếp Thầu Dầu của Úc Kỳ đến nay có thương hiệu và giá trị hơn hẳn so với các giống lúa thường. Người dân Úc Kỳ kỳ vọng khi cánh đồng mẫu lớn được triển khai ở xã sẽ đem lại năng suất và giá trị thương phẩm lớn cho người nông dân.
Úc Kỳ là địa phương được kỳ vọng tạo ra chuyển biến lớn ở cả năng suất và giá trị khi triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn |
Ông Dương Văn Niệm, người dân xã Úc Kỳ nói "Dồn điền đổi thửa của Úc Kỳ đã được chỉ đạo từ tỉnh xuống đến huyện, và xã cũng đã triển khai một số bước, về cơ bản người dân rất đồng tình với việc dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế".
Tuy nhiên, khi triển khai cánh đồng lớn, chính quyền và nhân dân Úc Kỳ cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng cho Đề án, phục vụ sản xuất còn khá khó khăn. Đồng bãi không bằng phẳng, hệ thống kênh mương phải làm lại lớn, cộng thêm số mồ mả phải di chuyển là trở ngại không nhỏ.
Chia sẻ về những khó khăn này, Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết "Công tác dồn điền đổi thửa đã được thống nhất, tuy nhiên liên quan đến kê đếm còn khá nhiều bất cập. Việc kê đếm hiện nay, nhiều hộ gia đình đã có biến động về diện tích đất như mua bán, tặng, cho mà chưa sang tên đổi chủ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó, một số điện tích đất gần, đất xa, đất xấu, đất tốt thì một số hộ còn băn khoăn".
Số mồ mả cần di chuyển là khá nhiều khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn là một trong những khó khăn mà xã đang gặp phải |
Cũng giống như Úc Kỳ, Xuân Phương là 1 trong 3 xã của huyện Phú Bình được chọn làm điểm để thực hiện dồn diền đổi thửa với diện tích gần 100ha. Để thực hiện nội dung này, ngay khi nhận được các chỉ thị, kế hoạch của cấp trên, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo dồn đổi ruộng đất và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn giúp người dân nhận thức đầy đủ về mục đích và những lợi ích sẽ được hưởng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dồn điền, đổi thửa là việc làm rất dễ phát sinh xung đột, mâu thuẫn bởi đây là việc liên quan đến lợi ích của nhiều hộ dân. Thêm vào đó, đồng đất ở mỗi vị trí cũng không đồng đều dẫn đến chênh lệch về hiệu quả sản xuất, tâm lý hơn thua khiến nhiều hộ dân không dễ đồng thuận.
Nói về vấn đề này, Ông Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết "Khi nhặt diện tích dồn điển đổi thửa, thực hiện công tác này, cán bộ từ xã, xóm gặp nhiều vất vả. Cái thứ nhất, đó là khi nhặt ruộng này, có nhiều hộ mà người ta không sản xuất, người ta cho thuê, hoặc mượn ruộng; thứ nữa là họ tự chuyển đổi diện tích ruộng cho nhau mà chưa qua làm thủ tục. Bên cạnh đó, bìa đỏ để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hiện nay một số hộ còn vay vốn ngân hàng, do đó, việc phô tô giấy tờ để đối chứng là rất khó khăn".
Đề án Cánh đồng mẫu lớn được xây dựng điểm ở Phú Bình với quy mô 250ha. Mục tiêu đề ra là hàng năm sản xuất 2 vụ lúa, năng xuất trung bình đạt từ 5,5 tấn/ha và lựa chọn những giống lúa cho năng suất có chất lượng hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó các địa phương tham gia sẽ được xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống xử lý rác thải, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa tập trung. Sau hơn nửa năm Đề án được phê duyệt và công bố chính thức, đến nay, 3 xã của Phú Bình đã triển khai đến toàn thể nhân dân, tiến hành cắm mốc thực địa và cho bà con bước đầu thống kê, bình xét để đổi thửa.
Vượt qua những khó khăn, Phú Bình sẽ quyết tâm thực hiện thành công Đề án này |
Dự kiến, trong năm 2017 xã Phú Bình sẽ hoàn thành việc giao đất tại thực địa cho nông dân, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đến năm 2018 sẽ bắt đầu bước vào sản xuất.
Ông Lê Xuân Bẩy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông huyện Phú Bình cho biết "Song song với việc quy hoạch cánh đồng lớn, về công tác tổ chức sản xuất, huyện vẫn chỉ đạo 3 xã tổ chức xây dựng sản xuất cánh đồng 1 giống lúa từ khi có chủ trương là từ tháng 5/2016 đến nay là 3 vụ và đã mang lại hiệu quả tốt".
Có thể thấy, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục triển khai những bước tiếp theo, tiến tới phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng của địa phương mình, góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Phú Bình nói riêng và Thái Nguyên nói chung./.